Thủ tục đăng ký khai thác nước phục vụ hoạt động tôn giáo như thế nào?

Phạm Oanh | 09/11/2021, 19:01

(TN&MT) - Bạn đọc Hoàng Xuân Hướng (Ninh Bình) hỏi: Trong trường hợp nào thì việc khai thác nước dưới đất phục vụ hoạt động tôn giáo phải đăng ký với cơ quan chức năng? Thủ tục đăng ký được quy định như thế nào?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Hiện nay, các hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 Luật Tài nguyên nước năm 2012, các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép bao gồm: Khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình; Khai thác, sử dụng nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối; Khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học; Khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều này quy định: “Trường hợp khai thác nước dưới đất để phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, hoạt động văn hóa, tôn giáo ở các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức thì phải đăng ký.

Ảnh minh họa

Đăng ký khai thác nước dưới đất

Theo Điều 6 Thông tư số 27/2014/TT-BTNM, cơ quan đăng ký khai thác nước dưới đất là UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện do UBND cấp tỉnh quyết định.

Trình tự, thủ tục đăng ký:

- Căn cứ Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất được phê duyệt, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, phum, bản, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng dân phố) thực hiện rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất thuộc diện phải đăng ký trên địa bàn; thông báo và phát hai tờ khai quy định tại Mẫu số 38 của Phụ lục kèm theo Thông tư này cho tổ chức, cá nhân để kê khai.

Trường hợp chưa có giếng khoan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký khai thác trước khi tiến hành khoan giếng.

- Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hoàn thành 2 tờ khai và nộp cho cơ quan đăng ký hoặc nộp cho Tổ trưởng tổ dân phố để nộp cho UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm nộp tờ khai cho UBND cấp huyện đối với trường hợp cơ quan đăng ký là UBND cấp huyện.

- Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai của tổ chức, cá nhân, cơ quan đăng ký có trách nhiệm kiểm tra nội dung thông tin, xác nhận vào tờ khai và gửi 1 bản cho tổ chức, cá nhân.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân đã đăng ký khai thác nước dưới đất, nếu không tiếp tục khai thác, sử dụng thì phải thông báo và trả tờ khai cho cơ quan đăng ký hoặc Tổ trưởng dân phố để báo cho cơ quan đăng ký và thực hiện việc trám, lấp giếng không sử dụng theo quy định.

- Cơ quan đăng ký có trách nhiệm lập sổ theo dõi, cập nhật số liệu đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn; hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả đăng ký tới Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp cơ quan đăng ký là UBND cấp xã thì gửi báo cáo kết quả đăng ký tới UBND cấp huyện để tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.

Báo Tài nguyên và Môi trường

Bài liên quan
  • Đồng bào dân tộc miền núi có được miễn thuế tài nguyên không?
    (TN&MT) - Gia đình tôi sống ở vùng núi cao, nơi có nhiều cánh rừng tự nhiên. Nguồn sống chính là khai thác các sản phẩm từ rừng như: Nấm, thảo quả, quế, hồi, tre, trúc…. Xin hỏi, khi khai thác các sản phẩm từ rừng như trên, gia đình tôi có phải đóng thuế tài nguyên hay không? Nếu là người đồng bào dân tộc thì gia đình tôi có được miễn thuế không? (Nùng A Thắng, Cao Bằng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO