Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Tất cả đã sẵn sàng cho GEF 6

22/06/2018 15:35

(TN&MT) - Nhân sự kiện Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (Đại hội đồng GEF 6) được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 23/06. Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân xung quanh các vấn đề cho sự kiện này cũng như ý nghĩa, cơ hội của Việt Nam khi tham gia GEF.

Phóng viên (PV): Thưa ông, với 183 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững… Trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia gia nhập GEF từ những ngày đầu tiên (05/12/1994), đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới, các dự án của GEF. Xin ông cho biết tổng quan về sự tham gia của Việt Nam với GEF?

Thứ trưởng Nhân
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến độ đồng thuận và giải ngân thuộc hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) nhanh và được GEF phê duyệt dự án tỷ lệ cao

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Như các bạn đã biết, GEF đã trải qua 26 năm kể từ khi được thành lập cùng với Hội nghị Thượng đỉnh Rio về trái đất vào năm 1992, thời điểm ra đời của các Mục tiêu Thiên niên kỷ mà Thế giới đã thực hiện đến năm 2015, trước khi chuyển sang thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trong giai đoạn đến 2030. Với mỗi chu kỳ hoạt động từ 4 đến 5 năm, hiện GEF đang kết thúc Chu kỳ 6, đánh dấu bởi Kỳ họp Đại Hội đồng lần thứ 6 sẽ diễn ra trong các ngày 23-29 tháng 6 năm 2018 tại Đà Nẵng tới đây. Việt Nam, một trong những quốc gia gia nhập GEF từ những năm đầu tiên (05/12/1994), đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới của GEF như xây dựng các dự án tổng hợp đa lĩnh vực, tham gia có hiệu quả các diễn đàn và các hoạt động đánh giá các dự án của GEF.

Kể từ khi hoạt động, GEF đã tài trợ 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung.

Theo đánh giá của Ban Thư ký GEF, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến độ đồng thuận và giải ngân thuộc hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) nhanh và được GEF phê duyệt dự án tỷ lệ cao. Trong Chu kỳ 6, đến nay, tỷ lệ đề xuất được GEF phê duyệt trong STAR của Việt Nam là 72%, trong khi tỷ lệ trung bình các đề xuất được GEF phê duyệt của các nước mới chỉ ở mức khoảng 50%.

Nhờ sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các diễn đàn chung của GEF, Việt Nam đã được mời tham gia Nhóm công tác rà soát Chính sách của GEF và dự các kỳ họp Hội đồng GEF với tư cách quan sát viên. Đặc biệt là, Việt Nam đã được bầu chọn là đại diện của các nước Châu Á tham gia các hội nghị đàm phán xây dựng nguồn lực cho GEF 7 diễn ra từ 3/2017 đến 5/2018. Đây là thuận lợi lớn, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận các thành viên Hội đồng GEF để vận động tài trợ. Vai trò của Việt Nam cũng được ghi nhận thông qua việc GEF lựa chọn Việt Nam để đánh giá tính hiệu quả của các dự án GEF cũng như tổ chức một số hội nghị của GEF trong thời gian tới, nổi bật là Hội thảo cử tri mở rộng tháng 4/2017 tại Đà Nẵng và Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6 được tổ chức trong các ngày 23-29/06/2018 tại Đà Nẵng.

Phóng viên: Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6 này, xin ông cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những sáng kiến gì để nhằm đảm bảo kỳ Đại Hội đồng GEF 6 sẽ thành công với các dấu ấn Việt Nam.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Để điều phối các hoạt động hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ GEF - phối hợp với Ban Thư ký GEF xây dựng chương trình tổng thể và tổ chức Kỳ họp. Tại Kỳ họp Đại Hội đồng GEF 6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Thư ký GEF đề xuất tổ chức một số cuộc họp chuyên đề, tham gia vào các phiên họp bàn tròn cấp cao theo các chủ đề ưu tiên toàn cầu của GEF, trong đó:

Về mối quan hệ của lương thực, năng lượng và tài nguyên nước: đưa các sáng kiến về thúc đẩy hợp tác sử dụng bền vững các vùng nước xuyên biên giới và phát triển kinh tế; hỗ trợ đầu tư để cân bằng các loại hình sử dụng nước trong quản lý nước mặt và nước ngầm xuyên biên giới và tăng cường hợp tác đa quốc gia;

Về đô thị bền vững và có tính chống chịu: hiện nay, GEF đã xây dựng ưu tiên cho GEF 7 trong đó ưu tiên và quan tâm nhiều đến chủ đề thành phố bền vững và dự kiến mở rộng pha 2 cho chương trình này. Trong GEF 6, Việt Nam đã được lựa chọn là một trong 11 quốc gia tham gia vào chương trình tổng hợp thành phố bền vững của GEF. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục đề xuất các dự án về thành phố bền vững.

Tại Hội nghị bàn tròn cấp cao, chúng ta sẽ đề xuất các nội dung thảo luận mà hiện nay Việt Nam và GEF đang quan tâm, ưu tiên và dự kiến có nhiều dự án sẽ được triển khai như về lĩnh vực đa dạng sinh học có thể thực hiện dự án cấp quốc gia hoặc khu vực về xây dựng chiến lược về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch sử dụng đất; bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết; đảm bảo nông nghiệp trong tương lai: sử dụng bền vững nguồn gen thực vật và động vât; thực hiện Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học và Nagoya về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu thì Quỹ Tín thác của GEF sẽ hỗ trợ cho các hoạt động biến đổi khí hậu và là cơ chế tài chính của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). GEF cũng quản lý một số quỹ quan trọng khác của UNFCC như Quỹ Tín thác cho các nước kém phát triển (LDCF), Quỹ Tín thác đặc biệt về biến đổi khí hậu (SCCF), đồng thời là Ban Thư ký lâm thời của Quỹ Thích ứng. Hơn nữa, ngay tại Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu lần thứ 22 tại Ma Rốc tháng 11/2016, GEF đã tuyên bố thành lập thêm một Quỹ tín thác mới về sáng kiến tăng cường năng lực cho tính minh bạch (CBIT) để thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hiện nay, 07 quốc gia đã cam kết tài trợ 50 triệu USD cho quỹ CBIT này.

Nhân cơ hội này, Việt Nam có thể đề xuất các hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động để triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đóng góp chính thức do quốc gia quyết định (NDC); các dự án về cắt giảm khí nhà kính về biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông; các dự án về năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, nhằm thể hiện tính chủ động, tích cực, phát huy vai trò trong khu vực và cơ chế hợp tác đa phương, Việt Nam có thể thúc đẩy quan tâm chung của các nước thành viên đang phát triển về tăng trưởng xanh, quản lý bền vững nguồn nước và rừng, quản lý hóa chất và chất thải nguy hại, đẩy mạnh hợp tác công tư, sử dụng công cụ kinh tế trong giải quyết các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học.
unnamed 1

Phóng viên: Tại Kỳ họp Đại Hội đồng GEF 6, Việt Nam vừa là nước chủ nhà tổ chức sự kiện, vừa tham gia chủ trì các hội nghị bên lề. Xin ông cho biết công tác tổ chức đến thời điểm hiện tại?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:

Theo báo cáo của BTC, cho đến thời điểm này có 03 Tổng thống, 01 Phó Thủ tướng và 01 Nguyên Tổng thống đã xác nhận tham dự Kỳ họp; có 43 Lãnh đạo hàng đầu các tổ chức quốc tế toàn cầu về môi trường và phát triển (Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP, Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc - UNIDO, Tổng giám đốc Cơ quan Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc - FAO, Tổng Thư ký 3 Công ước toàn cầu, Giám đốc Điều hành và 2 Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - WB, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB,...); 65 Bộ trưởng và cấp tương đương phụ trách về môi trường của các quốc gia thành viên GEF.

Với đại diện của 183 nước thành viên GEF và các tổ chức hàng đầu thế giới về môi trường và phát triển tham dự Kỳ họp, có thể nói đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam được đón chào sự hiện diện chính thức của gần hết thành viên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế quan trọng trên toàn cầu. Vì vậy, có thể khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành của Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế nói chung và đặc biệt là hội nhập quốc tế trong lĩnh vực môi trường. Sự hiện diện của bạn bè đến từ khắp các châu lục trên thế giới cũng là cơ hội hiếm có để Việt Nam có thể giới thiệu với cộng đồng quốc tế về những thành tựu trong công cuộc xây dựng đất nước, về các giá trị văn hóa, truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và con người Việt Nam thân thiện.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương chuẩn bị chu đáo công tác đón tiếp, hậu cần, lễ tân và đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Kỳ họp GEF 6. Đồng thời, Việt Nam đã tích cực tham gia vào Kỳ họp Đại Hội đồng với sự khai mạc của Thủ  tướng Chính phủ Việt Nam; tham gia chủ trì phiên họp toàn thể Đại Hội đồng GEF 6 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; chủ trì 03 sự kiện do Bộ chủ trì thực hiện, tham gia chủ trì 7 sự kiện có liên quan và tham dự hầu hết 65 sự kiện bên lề trong khuôn khổ GEF 6; các Bộ, Ngành của Việt Nam cũng tham gia hầu hết các phiên họp của GEF 6.

Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất và sẵn sàng cho Kỳ Họp đại hội đồng GEF6 và thông qua dịp này để thể hiện những sự nỗ lực của Việt Nam trong các vấn đề về môi trường và trong hội nhập quốc tế; giới thiệu được vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Xin cảm ơn thứ trưởng về những chia sẻ trên. Chúc cho Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu sẽ thành công rực rỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Tất cả đã sẵn sàng cho GEF 6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO