Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Cần sự chung tay của cộng đồng để "Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân huỷ"

04/06/2018 13:20

(TN&MT) - Đó cũng là chủ đề chính của Hội thảo "Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy" được diễn ra sáng ngày 04/06, tại Bình Định.

(TN&MT) - Đó cũng là chủ đề chính của Hội thảo "Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân huỷ" được diễn ra sáng ngày 04/06, tại Bình Định.

Thực hiện Đề án số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” và hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2018 do Chương trình môi trường liên hợp quốc phát động “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”. Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học về “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy” tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì Hội thảo
Tới dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và ông Trần Châu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, và 120 đại biểu từ các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính, Bộ Tư Lệnh Hải Quân; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Hiệp Hội Nhựa Việt Nam. Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu, trường Đại học liên quan đến nhựa, bao bì nhựa, túi nilon, túi thân thiện với môi trường của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quy Nhơn.

Công tác bảo vệ môi trường luôn là yêu cầu cấp bách trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đã đặt ra nhiều thách thức cần phải được giải quyết một cách hài hoà để đảm bảo phát triển bền vững. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là bên cạnh sự phát triển nhanh của quá trình công nghiệp hoá là ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5-7 túi nilon/ngày. Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Theo các nhà khoa học nghiên cứu thì một túi nilon trong môi trường tự nhiên phải mất đến 20 năm mới tiêu huỷ được và gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ con người và môi trường.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Hội thảo khoa học về “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy” nhằm đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nilon khó phân huỷ tại Việt Nam; kết quả đạt được trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân huỷ; đề xuất các giải pháp về khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách về thuế; tuyên truyền vận động... nhằm hạn chế sử dụng túi nilon khó phân huỷ, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở nước ta.
 
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong rằng tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các diễn giả và toàn thể quý vị đại biểu sẽ tích cực trao đổi, thảo luận để đưa ra được những giải pháp, cơ chế, chính sách mang tính dài hạn cũng như các chương trình hành động cụ thể, thiết thực để ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilon, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân huỷ bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.
Ong Tran Chan
 Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tại Bình Định, lượng rác thải nhựa, túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường ngày càng tăng; ước tính hàng năm khoảng 30.000 tấn, trong đó chỉ khoảng 10% được thi gom, tái chế, đã đặt ra những thách thức cho địa phương về công tác thu gom, xử lý. Công tác tuyên truyền về giảm sử dụng túi nilon, giảm đồ nhựa dùng một lần được thực hiện hàng năm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tỉnh cũng đã thực hiện các mô hình phân loại rác nguồn, hỗ trợ tái chế rác, đặc biệt là mô hình Phụ nữ không sử dụng túi nilon do Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai tại huyện Phù Cát. Ngoài ra các siêu thị lớn trên địa bàn cũng đã chuyển dần sang sử dụng túi nilon tự phân huỷ sinh học.
 
Ông Trần Châu cho biết, hiện nay địa phương đang triển khai rà soát, sửa đổi Quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, xây dựng Chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa phương với mục tiêu đến năm 2020 tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý đạt 80% ở khu vực đô thị và 50% ở khu vực nông thôi; xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn; khuyến khích tá chế chất thải; tăng cường công tác truyền thông cho cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa...

Tại Hội thảo khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học đã có các báo cáo chuyên đề tập trung đánh giá đúng thực trạng sử dụng bao bì nhựa, túi nilon và chất thải nhựa, túi Nilon hiện nay ở Việt Nam, những việc đã thực hiện được trong đề án 582/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” việc chưa làm được, những thuận lợi, khó khăn vướng mắc và các giải pháp về Khoa học công nghệ, cơ chế chính sách, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng chung tay hạn chế sử dụng túi Nilon khó phân hủy, giảm chất thải nhựa. Hội thảo giành nhiều thời gian để  nghe ý kiến phát biểu thảo luận của Đại biểu tham dự Hội thảo.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân
GS. TS Đặng Thị Kim Chi  - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) môi trường
Tại Hội thảo, GS. TS Đặng Thị Kim Chi Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) môi trường, đã đưa ra các giải pháp liên quan đến chính sách và quản lý việc phát sinh chất thải nhựa (plastics) của thế giới và Việt nam cũng như các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa: Ban hành những chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dung các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa; Tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm; Từng bước hạn chế hay cấm sử dựng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên; Cải tiến hay thay đổi các quá trình sản xuất công nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa các chất thải nhựa, khuyến khích phát triển công nghệ thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm mới thân thiện môi trường, khắc phục nhược điểm chậm phân hủy của nhựa thải; Khuyến khích các công nghệ hay kĩ thuật mới để có thể sử dụng lại chất thải nhựa; Khuyến khích các công nghê và kĩ thuật mới nhằm tăng cường khả năng phân hủy hóa học và sinh học các loại chất thải nhựa khi thải bỏ vào môi trường...
 
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp đã xây dựng trong Hội thảo và giao cho Tổng cục Môi trường cũng như Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phát triển để có thể đưa ra những giải pháp đồng bộ, phù hợp với bối cảnh đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nilon như hiện nay. 
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Thứ trưởng cũng đưa ra những nhiệm vụ trong thời gian tới của của các cơ quan chức năng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng những hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về công tác bảo vệ môi trường và sử dụng chất thải nhựa, túi nilon một cách hợp lý. Tuyên dương những hoạt động tiêu biểu, điển hình của các cá nhân cũng như cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường; Kiện toàn các cơ chế chính sách pháp luật về vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt cũng như tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức sản xuất các vật liệu giảm thiểu tối đa các chất thải nhựa; Đẩy mạnh các công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xã hội, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường... Với sự chung tay đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức, cộng đồng xã hội, mọi tầng lớp người dân tham gia sẽ góp phần giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở nước ta.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Cần sự chung tay của cộng đồng để "Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân huỷ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO