Thu tiền tính tiền cấp quyền trong khai khoáng: Thái Nguyên có Tổ thẩm định để tính đúng - tính đủ!

01/04/2014 00:00

(TN&MT) - Nghị định 203/ NĐ - CP ra đời gây không ít tranh cãi về cách thức thực hiện thu tiền cấp quyền khai khoáng, trong khi doanh nghiệp đang ở giai đoạn...

(TN&MT) - Nghị định 203/ NĐ - CP ra đời gây không ít tranh cãi về cách thức thực hiện thu tiền cấp quyền khai khoáng, trong khi doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn. Để tuyên truyền một chủ trương chính sách có lợi cho quốc gia và tính đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu sâu sắc hơn về một Nghị định mới, vừa qua Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam đã chọn Thái Nguyên, địa phương tập trung số lượng khoáng sản hàng đầu cả nước  để thực hiện đợt tuyên truyền, tập huấn. Nhân sự kiện này, phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này cũng như hoạt động quản lý và sử dụng khoáng sản tại địa phương thời gian qua.
   
PV: Thái Nguyên là địa phương có số lượng khoáng sản nhiều nhất nước, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương. Ông có thể cho biết những cái “khó” của Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý địa bàn rộng và nhiều loại khoáng sản như Thái Nguyên?
   
   
Ông Đoàn Văn Tuấn – Giám đốc Sở TN&MT
    
  Ông Đoàn Văn Tuấn: Thái Nguyên là một trong các tỉnh có lợi thế về tài nguyên khoáng sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 85 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên tổng số 169 Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, trong đó: Các Bộ, ngành Trung ương cấp 21 giấy phép; UBND tỉnh cấp 148 giấy phép.
   
  Hàng năm, các Doanh nghiệp khai khoáng đã đóng góp một phần tài chính đáng kể vào ngân sách của tỉnh, cụ thể như: Năm 2010 là trên 186,049 tỷ đồng; năm 2011 là trên 278.335 tỷ đồng; năm 2012 là trên 346,389 tỷ đồng; năm 2013 trên 395,175 tỷ đồng. Ngoài việc nộp ngân sách Nhà nước, có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến thông qua việc tuyển dụng lao động tại địa phương, hỗ trợ địa phương xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng...Tính đến nay, các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn đã sử dụng trên 4.500 lao động tại địa phương nơi có hoạt động khoáng sản; đóng góp, hỗ trợ địa phương nâng cấp, sửa chữa, xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, nhà tình nghĩa, nhà văn hoá, trường học…) với trị giá trên 45 tỷ đồng.
   
  Bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi thì công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn như: Thứ nhất, một số văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật còn ban hành chậm, chưa kịp thời, chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn cụ thể khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện tại địa phương; Các biện pháp xử lý, chế tài chưa đủ mạnh để bắt buộc tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên; Thứ hai, với đặc thù về khoáng sản của tỉnh phân bố rải rác tại các vùng sâu, địa hình rừng núi hiểm trở, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép gặp nhiều khó khăn. Trong khi lực lượng cán bộ chuyên ngành quản lý khoáng sản từ cấp tỉnh đến huyện, xã còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa tương xứng với yêu cầu của công tác quản lý; Thứ ba, trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nuớc, đặc điệt là chính quyền cấp xã còn hạn chế, nhiều nơi còn chưa tích cực vào cuộc, chưa phối hợp với các ngành cấp trên để kịp thời xử lý, ngăn chặn các hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tự giác thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức sản xuất, khai thác khoáng sản sau cấp phép.
   
PV: Từ sau khi luật Khoáng sản 2010 đi vào cuộc sống, các hoạt động khai thác khoáng sản chui, gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường trên địa bàn tỉnh đã giảm. Tuy nhiên “ở đâu có khai khoáng là ở đó có ô nhiễm môi trường”, vậy Sở Tài nguyên và Môi trường đã có giải pháp nào để giảm thiểu vấn đề này, góp nâng cao hiệu quả quản lý, hạn chế thất thoát tài nguyên và buộc doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường sinh thái, thưa ông?
   
  Ông Đoàn Văn Tuấn: Để ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời hạn chế thất thoát tài nguyên, từ năm 2010 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản nói riêng; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành về khoáng sản gắn với công tác bảo vệ môi trường như: Đề án bảo về môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, theo đó đối với các cơ quan quản lý Nhà nước phải nâng cao năng lực, trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt các dự án ĐTM, yêu cầu các doanh nghiệp phải ngiêm chỉnh thực hiện các giải phải bảo vệ môi trường như đã cam kết, phê duyệt; Tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và việc thực hiện cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ khoáng sản; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục hoặc buộc phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh đảm bảo môi trường tại khu vực…
   
  Qua việc tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước tại các khu mỏ đã được kiểm soát, từng bước ngăn chặn và khắc phục sự suy thoái môi trường xung quanh các khu mỏ.
   
Ông Đoàn Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị tập huấn Nghị định 203 cho các doanh nghiệp Thái Nguyên
    
    
   
PV: Tại thời điểm này, Nghị định 203/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và doanh nghiệp tại các địa phương có khoáng sản. Ông có cho rằng việc triển khai Nghị định 203 trên địa bàn tỉnh sẽ vấp phải khó khăn? Và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định này tại Thái Nguyên như thế nào?
   
  Ông Đoàn Văn Tuấn: Nghị định 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 20/01/2014, đây là lần đầu tiên Nhà nước thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, do vậy, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện có thể sẽ gặp một số khó khăn nhất định như: Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã hạch toán đầy đủ các chi phí vào giá thành sản phẩm theo từng năm, tuy nhiên, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lại tính từ ngày 01/7/2011; Mặt khác trong điều kiện hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, do đó có thể sẽ có doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền cấp quyền theo quy định (nộp chậm, xin nợ…). Bên cạnh đó, để hướng dẫn các đơn vị khai thác khoáng sản kê khai số tiền phải nộp thì Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan phải nghiên cứu kỹ các nội dung của Nghị định, đồng thời phải chủ trì bố trí cán bộ và dành nhiều thời gian để tổ chức kiểm tra, xác nhận tính pháp lý, mức độ đầy đủ của các hồ sơ để tính, thẩm định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp, trình UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền, đảm bảo tính đúng, tính đủ các mỏ, các loại khoáng sản. Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, ngày 24/01/2014 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo biểu mẫu quy định. Nhằm kịp thời giải đáp những vấn đề vướng mắc trong cách tính, công thức tính của các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ngày 20/3/2014 Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tập huấn tới các Sở, ngành và tất cả các đơn vị tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
   
  Để triển khai Nghị định hiệu quả, đảm bảo tính đúng, tính đủ các mỏ, các loại khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh quyết định thành lập tổ thẩm định để xem xét, xác định số tiền các đơn vị phải nộp làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi có Quyết định phê duyệt số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Cục Thuế tỉnh để thông báo cho tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định.
   
PV: Được biết, Thái Nguyên phấn đấu trước năm 2020 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp. Vậy, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp khai khoáng được tỉnh xây dựng như thế nào, thưa ông?
   
  Ông Đoàn Văn Tuấn: Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động của Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị.
   
  Trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tỉnh Thái Nguyên đã rà soát tất cả các loại khoáng sản, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn, theo đó tập trung dành nguồn nguyên liệu cho chế biến sâu, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án trọng điểm của tỉnh. Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển ngành khai khoáng của tỉnh là phải lựa chọn và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; Quản lý chặt chẽ việc cấp phép Dự án khai khoáng, đảm bảo các dự án được sử dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản với phương châm phát triển bền vững, thu hồi tối đa, sử dụng tiết kiệm, mang lại hiệu quả và thân thiện với môi trường. Các dự án được cấp phép gây ô nhiễm, không thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường thì sẽ dừng lại hoặc thu hồi.
   
  Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trên, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, trong đó có “Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2011-2015” được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên bàn hành tại Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm quản lý đồng bộ; huy động các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản; đưa hoạt động khoáng sản của các đơn vị được cấp phép trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật. Sớm thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường trong lĩnh vực khoáng sản, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; bảo đảm khoáng sản được thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường.
   
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
   
Quảng Minh  (thực hiện)
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu tiền tính tiền cấp quyền trong khai khoáng: Thái Nguyên có Tổ thẩm định để tính đúng - tính đủ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO