Thu hồi đất của hơn 1.200 gia đình, tổ chức để nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ

Trần Sơn| 28/10/2019 20:14

(TN&MT) - Để thực hiện nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ (đã được Bộ GTVT phê duyệt), tỉnh Điện Biên sẽ phải thu hồi đất của 1.237 gia đình, cá nhân, tổ chức (trong đó, 1.215 gia đình, cá nhân; 22 tổ chức).

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cho biết: Để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức có đất cần thu hồi, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương rà soát, xây dựng phương án di dân, tái định cư (TĐC) cho các hộ dân.

Sơ đồ Cảng hàng không Điện Biên

Tại kỳ họp thứ 11 (kỳ họp bất thường) do HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV tổ chức ngày 26/8, HĐND tỉnh đã thông qua phương án đầu tư xây dựng điểm tái định cư số I và số III trong Dự án nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ.

Theo đó, điểm tái định cư số I có diện tích khoảng 12,53 ha, bảo đảm bố trí TĐC cho 557 hộ dân các tổ dân phố: 1, 2, 3, 4, 6, 8, 10 phường Thanh Trường (TP Điện Biên Phủ).

Điểm tái định cư số III có tổng diện tích khoảng 4,75ha, bảo đảm bố trí tái định cư cho 223 hộ, thuộc các tổ dân phố 4, 6, 10 phường Thanh Trường và các hộ dân khác bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp, cải tạo sân bay Điện Biên Phủ.

Tổng mức đầu tư của 02 dự án gần 351 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm, nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử đụng đất và tài sản trên đất, nguồn tăng thu ngân sách địa phương (NSĐP).

 

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021.

Với điểm TĐC số II và số IV, cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên đang tiếp tục các bước khảo sát, xây dựng, vận động nhân dân ủng hộ để dự án sớm hoàn thành.

Được biết, theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT, Cảng hàng không Điện Biên là cảng hàng không có hoạt động bay quốc tế. Sân bay này cũng sẽ được dùng chung cho cả hoạt động bay dân dụng và quân sự.

Giai đoạn đến năm 2020, Cảng có công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm với ba vị trí đỗ phục vụ các loại máy bay A320, A321 và tương đương (dòng máy bay thân rộng có thể chở được khối lượng hành khách và hàng hóa lớn hơn máy bay ATR72).

Sân bay Điện Biên sẽ có 3 vị trí đỗ phục vụ các loại máy bay A320, A321 và tương tương. Công suất giai đoạn 2020 đạt 300.000 khách/năm.

Định hướng đến năm 2030, Cảng có công suất 2 triệu hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm với sáu vị trí đỗ tàu bay, gồm: ba vị trí cho tàu bay ATR72 và ba vị trí cho tàu bay A320.

Về khu bay, giai đoạn năm 2020, quy hoạch và nghiên cứu xây dựng mới đường cất, hạ cánh dài 2.400m, một đường lăn đồng bộ với đường cất hạ cánh nối vào sân đỗ tàu bay dân dụng.

Giai đoạn năm 2030, tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống đường lăn nối vào sân đỗ tàu bay và một phần đường lăn song song từ đường lăn nối đường cất, hạ cánh đến sân đỗ tàu bay.

Sân bay Điện Biên Phủ là cầu nối quan trọng kết nối Điện Biên với Thủ đô Hà Nội, các miền trong cả nước và quốc tế. Sân bay này cũng giữ vị trí xung yếu trong bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế vùng, đặc biệt quan trọng trong triển khai xử lý các tình huống khẩn cấp phục vụ an ninh quốc phòng quốc gia. Do vậy, đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ là hết sức cần thiết, được Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành hết sức ủng hộ.

Theo Tự viết
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi đất của hơn 1.200 gia đình, tổ chức để nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO