Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho thấy, nước ta vẫn còn 58.000 hộ dân thiếu đất ở và 303.578 hộ thiếu đất sản xuất. Những con số này cho thấy vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều vướng mắc cần được quan tâm nghiêm túc và có giải pháp triệt để hơn.
Theo nhiều chuyên gia, tại nhiều địa phương còn diễn ra tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sau khi được Nhà nước giao đất sản xuất theo các chính sách hỗ trợ nhưng đã chuyển nhượng lại đất cho người khác. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương quản lý đất đai chưa tốt, còn buông lỏng trong quản lý (cho thuê, cho mượn, tranh chấp, đất bị lấn chiếm... gây ra những tồn tại và bức xúc; tập quán của người dân dễ bị lợi dụng...)
Đơn cử, như tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất… đang trở thành chuyện thời sự trong vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhất là đồng bào dân tộc S’tiêng. Do cần tiền xây nhà, mua xe gắn máy, tiêu xài, tổ chức cưới hỏi… nên nhiều diện tích điều của các hộ dân đã được bán non, sang nhượng, cầm cố… dẫn đến mất nương rẫy, phương tiện làm ăn, nghèo đói bủa vây.
Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất… những năm gần đây là do tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng DTTS còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Mặt khác, do nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS còn đơn giản và hạn chế. Cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn vay nợ để mua sắm, làm nhà đẹp, mua xe, tổ chức cưới hỏi linh đình...
Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động ở địa phương chưa thường xuyên, sâu sát. Một bộ phận người dân khi tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng lại sử dụng không đúng mục đích mà chi tiêu cho sinh hoạt gia đình nên khi đến thời hạn phải trả nợ lại đi vay “nóng” lãi suất cao.
Trước thực trạng trên, tỉnh Bình Phước liên tiếp ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bình Phước đã kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng lúc đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn để dụ dỗ mua điều non, cho vay tiền lãi suất cao. Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã thụ lý, giải quyết năm vụ án liên quan giao dịch mua bán điều non, 50 vụ liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng đất.
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số là do nghèo đói nên người dân chuyển nhượng, cầm cố đất đai sau đó họ không có khả năng mua, chuộc lại. Một nguyên nhân quan trọng khác là các hộ dân chuyển nhượng đất cho người khác vì đất đai được giao quá cằn cỗi không thể canh tác.
Thời gian qua, Chính phủ có chủ trương rà soát, thu hồi đất các nông lâm trường sử dụng không hiệu quả để giao cho dân. Được địa phương giao đất, nhưng tình trạng người dân tộc thiểu số được giao đất đai cằn cỗi những năm qua khá phổ biến do bệnh thành tích khiến các địa phương đua nhau chạy theo số lượng giao đất cho người dân, cố có đất bất kể đất tốt xấu để giao cho dân.
Để trị "căn bệnh" này, nhiều chuyên gia đề nghị nên xem lại mục tiêu của chính sách giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện. Vì mục tiêu của chính sách này không thể là chăm chăm tìm đất giao cho dân khiến các địa phương cố có đất giao dân bằng mọi cách, mà phải là tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS; hỗ trợ để đồng bào quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất sản xuất đã giao, có các giải pháp quản lý theo cộng đồng, không cho chuyển nhượng.