Thu hẹp đất canh tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Bài 4: Sử dụng hiệu quả quỹ đất ở Tây Nguyên

Thúy Nhi | 24/02/2023, 09:28

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tình trạng đất canh tác bị thu hẹp đang có xu hướng tăng do suy thoái chất lượng đất, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được sử dụng hiệu quả, xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm…

* Thu hẹp do suy thoái đất

Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu hecta, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu hecta đất đỏ bazan. So với 7 vùng sinh thái của nông nghiệp Việt Nam, Tây Nguyên có lợi thế cạnh tranh với quỹ đất bazan tập trung, điều kiện sinh thái và lượng mưa lớn, bình quân diện tích sản xuất hộ gia đình rộng hơn so với các nơi khác.

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp tại đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức trong tiến trình phát triển bền vững, thu nhập của người nông dân chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Theo các nghiên cứu thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 năm 2016, Tây Nguyên hiện có hơn 1 triệu ha đất bị thoái hóa nặng và rất nặng, chiếm 20,5% diện tích tự nhiên của vùng. Đây là những diện tích thoái hóa đất đã thể hiện rõ đến mức khó có thể canh tác nông nghiệp bình thường.

5.png

Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng nặng của hoang mạc hóa. Ảnh: HL

Thực tiễn vài năm trở về đây, diện tích đất biểu hiện thoái hóa có thể cao hơn nhiều so với con số trên. Theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, phần lớn đất đai đang sản xuất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là các vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu lâu đời ở Tây Nguyên đang có sự biến động lớn về lý, hóa tính và cả sinh học theo hướng tiêu cực và ảnh hưởng xấu cho việc canh tác nông nghiệp.

Hệ lụy của thoái hóa đất là làm suy giảm độ phì nhiêu của đất được thể hiện qua các chỉ tiêu như đất bí chặt, chua hóa, khả năng giữa ẩm, giữ dinh dưỡng kém; hiệu quả sử dụng phân bón thấp; hệ vi sinh vật đất chủ yếu là vi sinh vật gây hại; sâu bệnh hại từ đất phát triển nhanh và mạnh ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Thoái hóa đất ở Tây Nguyên được gắn với các nguyên nhân do phá rừng, loại bỏ thảm thực vật tự nhiên, canh tác nông nghiệp chưa hợp lý, thiếu các biện pháp bảo vệ đất, độc canh nhiều diện tích cây công nghiệp dài ngày, sử dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, do biến đổi khí hậu hạn hán kéo dài…

* Quy hoạch phát triển và liên kết vùng sản xuất hợp lý

Để hạn chế tình trạng thoái hóa đất, tiến tới phục hồi tài nguyên đất đai ở Tây Nguyên, cần có các biện pháp vừa ngắn hạn và dài hạn đan xen trên cơ sở phát huy kỹ thuật nông nghiệp bền vững, thuận tự nhiên. Người dân cần áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, theo định hướng quy hoạch phát triển và liên kết vùng sản xuất hợp lý.

6.png
Nhiều diện tích khô hạn ở Tây Nguyên. Ảnh HL

Cụ thể về lâu dài, cơ quan chức năng cần định hướng phát triển và quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo cách tiếp cận cảnh quan trên nguyên tắc: đa dạng sinh học, các thành phần tự nhiên và nhân văn trong vùng có khả năng tương hỗ về sinh thái và kinh tế trong sản xuất. Trong quy hoạch, thay vì tập trung vào các địa danh hành chính, cần phải tập trung vào các vùng sản xuất lớn và các vùng lưu vực.

Mỗi vùng như vậy cần phải được đánh giá toàn diện về độ phì đất, các điều kiện sinh thái, tính ổn định về mặt môi trường, hiện trạng cơ sở hạ tầng cứng và mềm phục vụ sản xuất, để từ đó đề xuất rõ loại cây trồng/nhóm cây trồng (xen canh) và biện pháp canh tác tương ứng với từng loại đất.

Trong yêu cầu kỹ thuật đi kèm, cần nêu rõ các biện pháp bảo vệ đất, chống xói mòn như làm mô đất, mương, băng cây phân xanh, bậc thang, bố trí hệ thống cây trồng và luân canh cây trồng phù hợp. Đối với những nơi nguy cơ xói mòn cao như đất quá dốc, đỉnh dốc cần quy hoạch vùng tái sinh rừng, trồng rừng. Ngoài ra, cần quy hoạch tất cả cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như hồ đập, xưởng chế biến, kho bãi và các hệ thống cung cấp vật tư đầu vào, hệ thống mua bán tiêu thụ sản phẩm…

Đặc biệt, Tây Nguyên cần một cơ sở hạ tầng mềm là các chính sách, quy định với sự tham gia của các bên để đảm bảo quy hoạch sẽ được thực hiện đúng. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án phát triển cà phê theo cách tiếp cận cảnh quan cho các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đây là bước đi rất quan trọng để các địa phương, phối hợp với các cơ quan chuyên môn các cấp và người sản xuất xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, từ đó, có thể nhân rộng và mở rộng hướng khai thác sử dụng đất theo hướng này ra toàn vùng.

Về ngắn hạn, người dân cần áp dụng các quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), ưu tiên các kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

* Giao đất nông lâm trường không hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tại “Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 6 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng” vào cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, nhiều điểm mới của Luật Đất đai sửa đổi sẽ có tác động đến vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ hoàn thiện quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất gắn với bảo vệ và phát triển rừng; sử dụng đất đa mục đích, kết hợp phát triển cây dược liệu, du lịch nghỉ dưỡng gắn với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất không chỉ trong nông nghiệp mà trong sản xuất, kinh doanh để đảm bảo sinh kế, phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực tế quỹ đất ở địa phương.

Đặc biệt, việc hoàn thiện các quy định sẽ mang lại thay đổi lớn, như quy định cho thuê đất hàng năm, miễn hoàn toàn tiền thuê đất đối với các trường hợp Nhà nước thực hiện chính sách đất đai đảm bảo tư liệu sản xuất cho đồng bào, ngăn ngừa tình trạng nhận đất hỗ trợ chuyển nhượng và tiếp tục di canh, di cư, phá rừng làm nương rẫy.

Để sử dụng quỹ đất tại Tây Nguyên có hiệu quả, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, cần thực hiện rà soát hiện trạng sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; xác định diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng, đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp để xử lý, thu hồi giao cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương và các chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả, phát huy lợi thế quỹ đất tập trung. Thực hiện các biện pháp kiên quyết để các doanh nghiệp phải thực hiện chuyển sang thuê đất, thu nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đảm bảo mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO