Đất suy thoái, tốn nhiều công chăm sóc
Theo nhận định chung của những già làng, trưởng bản có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp là người dân tộc thiểu số (DTTS) sống tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái…, trước đây bà con canh tác không phải mất nhiều công sức chăm bón như bây giờ. Thậm chí, có những vùng đất còn phì nhiêu chỉ cần gieo hạt, làm cỏ lúa, ngô vẫn cho thu hoạch, sản lượng cao. Nhưng hiện nay, nếu gieo hạt mà đồng bào không chăm bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật, cây không thể lên nổi, do chất lượng đất bị suy giảm.
Già làng Lò Văn Ún, bản Co Líu, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, xác thực bằng việc chỉ vào đám nương trước đây gia đình ông còn canh tác, diện tích khoảng gần 2ha. Ông nói: Vụ đầu đám nương này cho ông khoảng 2 tấn thóc, năm sau thì được khoảng 1 tấn, năm sau nữa chỉ còn vài tạ.. giờ thì gieo hạt cây cũng không lên.
Điều ông nói là hợp với quy luật tự nhiên, khi độ dốc cao, mưa xói mòn sẽ rửa trôi dần các lớp mùn tơi xốp dẫn đến hoang hóa đất trồng. Điều này không có gì lạ đối với hầu hết đồng bào các dân tộc canh tác đất nương rãy thuộc các tỉnh Tây Bắc.
Tại một số tỉnh Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… đều có độc dốc ngắn, cao. Khí hậu khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân chính là do quá trình sử dụng đất của người dân. Điều này tác động xấu, trực tiếp đến tài nguyên đất, dẫn đến tình trạng đất ngày càng bị thoái hóa.
Sơn La, diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa ở tỉnh này chiếm hơn 71% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Đất lâm nghiệp bị thoái hóa là 204.915/643.766ha, chiếm 31,5% diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh. Diện tích đất chưa sử dụng có tới 312.292ha/334.769ha bị thoái hóa, chiếm tới 93,5% diện tích đất chưa sử dụng của tỉnh. Phân theo loại hình thoái hóa, tổng diện tích đất bị xói mòn là hơn 719.000ha; đất bị suy giảm độ phì hơn 516.000ha; đất bị khô hạn hơn 777.00ha diện tích điều tra.
Nguyên nhân gây ra thoái hóa đất là do ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của định hình làm gia tăng tình trạng khô hạn kéo dài, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân chính là do quá trình sử dụng đất của người dân. Tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, rừng tại các công ty lâm nghiệp còn thấp, tình trạng để hoang hóa, việc người dân tự ý vén đất rừng để trồng cây hàng năm.
Cùng với đó, việc tăng cường sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng và thuốc bảo vệ thực vật đã làm gia tăng mức độ suy giảm độ phì nhiêu ở các vùng thấp; việc trồng cây hàng năm trên các khu vực dốc, đốt nương làm rẫy dẫn đến xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất làm suy thoái hóa học, mất chất dinh dưỡng của đất. Nhiều khu rừng do bị khai thác kiệt quệ và chuyển sang làm nương rẫy, ảnh hưởng tới sự đa dạng sinh học, suy thoái môi trường.
Đối với tỉnh Điện Biên qua điều tra, rà soát thoái hóa đất kỳ đầu từ cuối năm 2015, tổng diện tích rà soát khoảng 930.000 ha đất. Qua đó xác định được gần 350.000 ha đất đã bị thoái hóa nặng tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ. Những diện tích bị thoái hóa nặng này đều có chung biểu hiện bị xói mòn, rửa trôi, kết vón và suy giảm độ phì nhiêu.
Ngoài ra, diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa cũng được xác định chiếm khoảng 87% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Nguyên nhân thoái hóa đất là do tác động của tự nhiên. Bên cạnh đó còn có các hoạt động của con người trong quá trình sử dụng, canh tác đất chưa hợp lý, sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng cơ bản… gây suy giảm độ phì nhiêu và xói mòn đất.
Một số tỉnh còn lại như: Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai tỷ lệ đất bị thoái hóa cũng tương đối cao. Riêng Lai Châu tổng diện tích đất bị thoái hóa là 755.619 ha, chiếm 86,80% diện tích điều tra. Trong đó, thoái hóa nhẹ: 298.940 ha, chiếm 34,34% diện tích điều tra; thoái hóa trung bình: 282.757 ha, chiếm 32,48% diện tích điều tra; thoái hóa nặng: 173.922 ha, chiếm 19,98% diện tích điều tra, cao gần như đứng đầu Khu vực.
Giải pháp… làm giảm nguy cơ thoái hóa đất
Thoái hóa đất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu đất canh tác hiện nay ở vùng đồng bào DTTS. Giảm thiểu được tình trạng thoái hóa đất thì quỹ đất canh tác của người dân sẽ được đảm bảo, tài nguyên đất không bị lãng phí, bỏ hoang…
Hiện nay, tại một số tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai đã đưa ra một số giải pháp để giảm thiểu tình trạng thoái hóa đất. Đặc biệt đối với nhóm đất liên quan trực tiếp đến quỹ đất đất canh tác của người dân.
Đối với đất sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần ưu tiên ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, năng suất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và an ninh lương thực.
Đối với đất lâm nghiệp, cần phát triển lâm nghiệp toàn diện ở cả 3 loại rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng. Trong đó, vùng sản xuất hình thành vùng nguyên liệu gỗ và cây đặc sản, … phù hợp trên đất bị thoái hóa nhẹ do xói mòn yếu, khô hạn nhẹ; đối với vùng đất bị thoái hóa nặng ưu tiên khoanh nuôi tái sinh trồng mới rừng và bảo vệ phục hồi rừng, phục hồi đất, giảm thiểu thoái hóa đất. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.
Đối với đất phi nông nghiệp, cần phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch và cho các mục đích khác với tiêu chí tận dụng tối đa lợi thế theo khu vực đặc thù, hạn chế mức thấp nhất khai thác từ đất không bị thoái hóa, tập trung khai thác những vùng đất bị thoái hóa nặng. Để đảm bảo phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ, phục hồi và giảm thiểu thoái hóa đất cần đảm bảo phát triển một số ngành hỗ trợ cho sản xuất nông lâm nghiệp. Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, bảo vệ tài nguyên đất và nước, chú trọng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tưới, tiêu chủ động.
Đối với đất chưa sử dụng, cần đưa vào khai thác sử dụng theo hướng phù hợp với điều kiện trồng, khoanh nuôi, tái sinh rừng; phục hồi rừng phòng hộ, hoặc sản xuất phù hợp với sản xuất nông nghiệp: ưu tiên khai thác theo mô hình nông lâm kết hợp hoặc cây hàng năm, cây lâu năm kết hợp đảm bảo khai thác hiệu quả kinh tế từ đất nhưng vẫn phục hồi và bảo vệ đất.
Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Điện Biên sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp: trong đó chủ yếu về trồng tăng độ che phủ rừng; khuyến khích khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; đẩy nhanh tiến độ đưa đất chưa sử dụng vào trồng và khoanh nuôi, phục hồi rừng; phân vùng sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý nhằm giảm thiểu thoái hóa đất; thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chú trọng khuyến nông, khuyến lâm, giúp người dân tiếp cận các kỹ thuật mới về phân bón, bảo vệ đất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để đầu tư thâm canh sử dụng đất theo chiều sâu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí mùa vụ thích hợp, tránh thiên tai nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế quá trình thoái hóa đất và cải thiện độ phì của đất. – Ông Tiến nói.