Thông tin tiếp về sự cố nứt mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Nguyên nhân nằm trong…lòng đất!

08/10/2014 00:00

(TN&MT) - Trong thông cáo báo chí không thấy nhắc đến trách nhiệm của các cá nhân hay đơn vị nào phải chịu...

   
   
(TN&MT) - Như Báo Tài nguyên & Môi trường  đã phản ánh, sau khi thông xe toàn tuyến được 2 ngày, tại km 83 của tuyến đường cao tốc này đã xuất hiện vết nứt. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, Bộ Xây dựng, Cơ quan thường trực của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã vào cuộc để làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, chưa có cá nhân hay đơn vị  nào nhận trách nhiệm về việc này.   
   
   
  Trong công văn ngày 7/10/2014 gửi tới các cơ quan báo chí, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam(VEC) cho biết: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây Dựng, Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, của Bộ Giao thông vận tải về việc xác định nguyên nhân gây nứt để có giải pháp khắc phục phù hợp.  Ngay sau khi phát hiện vết nứt, VEC đã chỉ đạo Tư vấn giám sát hướng dẫn Nhà thầu tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng vết nứt và khoan khảo sát nhằm xác định cụ thể cấu tạo địa tầng khu vực. Trong giai đoạn này đã khoan 2 mặt cắt tại lý trình Km 83+025 và Km83+050 với tổng số 08 lỗ khoan (vị trí lỗ khoan bổ sung có tham khảo ý kiến các chuyên gia xử lý nền đất yếu và chuyên gia của Hội đồng NTNN), bao gồm: + Tại mặt cắt Km83+025: khoan 5 lỗ khoan gồm 03 lỗ bên trái cách tim đường lần lượt 12m, 38m, 57m ; 02 lỗ bên phải cách tim đường lần lượt là 12m và 38m. + Tại mặt cắt Km83+050: khoan 3 lỗ khoan gồm 02 lỗ bên trái cách tim đường lần lượt 12m, 38m ; 01 lỗ bên phải cách tim đường 38m. Kết quả khoan khảo sát địa chất bổ sung cho thấy tại vị trí Km83+025 (vị trí trung tâm của vết nứt) có sự bất thường về địa tầng, không xuất hiện lớp đất có khả năng chịu tải tốt như xuất hiện tại mặt cắt địa chất kề đó tại vị trí Km83+00; lớp đất yếu (bụi dẻo lẫn hữu cơ) nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài lớn gần 30%; cấu tạo địa tầng tại vị trí này đã không được phát hiện trước đây do nằm giữa 2 mặt cắt khoan khảo sát địa chất bước lập BVTC xử lý đất yếu.
   
   
  Tiếp đó, ngày 3/10/2014, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp xử lý vết nứt, buổi họp có sự tham gia của các chuyên gia và thành viên của HĐNTNN, Vụ Khoa học công nghệ - Bộ GTVT. Hội nghị đã đánh giá nguyên nhân vết nứt và giải pháp xử lý. Ngày 07/10/2014, Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp xử lý vết nứt, buổi họp có sự tham gia của HĐNTNN, Cục QLXD và chất lượng CTGT, Vụ Khoa học công nghệ - Bộ GTVT, Tổng Cty TVTK GTVT, Viện KHCN GTVT. Hội nghị đã đánh giá nguyên nhân vết nứt, đã đưa ra quan điểm xử lý và giải pháp như sau: Đánh giá nguyên nhân: đoạn nứt nằm trong đoạn địa chất phức tạp, có bất thường về địa tầng (không xuất hiện lớp đất có khả năng chịu tải tốt như xuất hiện tại mặt cắt địa chất kề đó tại vị trí Km83+00; lớp đất yếu (bụi dẻo lẫn hữu cơ) nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài lớn gần 30%) đã xuất hiện hiện tượng trượt sườn, đáy khối trượt xuất hiện ở khu vực tiếp giáp giữa đất yếu và đá gốc làm mất ổn định và gây ra nứt mặt đường. Quan điểm xử lý: phải đảm bảo mục tiêu khai thác liên tục, an toàn tuyến đường.
   
  Giải pháp xử lý được đưa ra: thi công ngay bệ phản áp để đảm bảo ổn định nền đường với kích thước rộng 20m cao 2,5m (tại mép ngoài bệ phản áp, dốc thoát nước 4%), dài 180m (Km82+950 – Km83+130). Quá trình thi công bệ phản áp cần được kết hợp với các biện pháp tính toán, quan trắc và thẩm tra điều chỉnh kịp thời. Căn cứ trên kết quả xử lý, sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo đảm bảo ổn định lâu dài nền đường.
   
   
   
  Tuy nhiên, trong thông cáo này cũng không thấy nhắc đến trách nhiệm của các cá nhân hay đơn vị nào phải chịu. Chưa kể, chi phí của việc này là đơn vị nào phải “gánh”: chủ đầu tư hay nhà thầu?. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải sớm làm rõ trách nhiệm.
   
  Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này
   
Bài & ảnh: Nhật Lam - Hà Thúy
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin tiếp về sự cố nứt mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Nguyên nhân nằm trong…lòng đất!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO