Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Theo Chinhphu.vn | 30/01/2020 22:45

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/1/2020.

Thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiệm vụ của Hội đồng là tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.

Thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ủy ban Dân tộc và một số chuyên gia về quy hoạch am hiểu về điều kiện của vùng do Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét, lựa chọn.

Các bộ, cơ quan ngang bộ có thành viên tham gia Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có trách nhiệm cử đại diện lãnh đạo bộ khác với đại diện tham gia Hội đồng quy hoạch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 24/9/2018.

Hội đồng thẩm định hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và tự giải thể sau khi nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Bộ Kế hoạch và Đầu tư; có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 18 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; được sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoạt động.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định được bố trí trong chi phí lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Lập BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch Corona

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo); Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang; Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Minh Hùng; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; Phó Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng; Quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Lê Đăng Dũng; Quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam Phạm Đức Long.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, chỉ đạo việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp của Bộ Y tế phòng, chống dịch bệnh này.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền về tình hình dịch bệnh.

Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Đầu tư đường kết nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3

Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.

Mục tiêu đầu tư dự án hình thành tuyến đường theo quy hoạch Giao thông vận tải đã được phê duyệt. Giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm thành phố.

Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 với chiều dài khoảng 3,4 km (tính cả chiều dài các nút giao); bề rộng mặt cắt ngang đường chính B= 60 m (bao gồm 6 làn xe cơ giới B= 3,5 m, 02 làn xe hỗn hợp tại 2 đường đô thị song hành B= 7,0 m, giải phân cách giữa, phân cách bên, vỉa hè hai bên). Điểm đầu tuyến tại điểm cuối nhánh rẽ phải từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào đường 70 thuộc nút giao Tứ Hiệp (nhánh N1A) và điểm cuối là nút giao với đường Vành đai 3.

Các hạng mục đầu tư chính bao gồm: Xây dựng nút giao bán hoa thị Tứ Hiệp; xây dựng đoạn tuyến từ nút giao Tứ Hiệp đến nút Vành đai 3; xây dựng nút giao với đường Vành đai 3; xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông trên tuyến đường chính, các nhánh kết nối và hệ thống đường gom,... đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Địa điểm thực hiện dự án tại quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.535.141 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 - 2022.

UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, cũng như tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, đảm bảo tính khả thi của dự án; tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và phê duyệt Dự án theo quy định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ và các quy định của pháp luật.

Đồng thời tổ chức triển khai dự án theo đúng quy hoạch được duyệt, quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 và các quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện nguyên tắc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020 với tổng dự toán là 103.063.247 triệu đồng.

Trong đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội được giao 17.717.246 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh 19.004.986 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội An Giang 1.323.788 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 881.014 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu 766.718 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang 1.321.734 triệu đồng;...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và cơ quan có liên quan thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế và dự toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao; thực hiện nghiêm quy định về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và cơ quan có liên quan tăng cường công tác tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Chỉ đạo Sở Tài chính chuyển đủ và kịp thời kinh phí ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo; tham gia quản lý quỹ bảo hiểm y tế theo quy định; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và chuyển dữ liệu cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo quy định về việc giám định, thanh toán được chính xác, kịp thời.

Tăng cường công tác truyền thông về bảo hiểm y tế, có giải pháp vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với từng nhóm đối tượng để đạt chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế của địa phương được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính sớm rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh làm cơ sở tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chất lượng dịch vụ, khả năng cung ứng của các cơ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Ban hành hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh gắn với chất lượng dịch vụ y tế và chế tài xử lý với các trường hợp không đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc bệnh đắt tiền; phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.

Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Thành phố Cao Lãnh là đô thị loại II

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định công nhận thành phố Cao Lãnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Thành phố Cao Lãnh có diện tích tự nhiên là 10.726,6 ha, bao gồm 3.013,7 ha diện tích nội thị (28,1%), cách thành phố Hồ Chí Minh 154km và thành phố Cần Thơ 80km. Dân số toàn đô thị năm 2018 là 211.912 người, bao gồm 58,6% dân nội thị.

Tống số lao động tham gia các ngành kinh tế toàn đô thị năm 2018 đạt 91.899 người, bao gồm 79,1% lao động phi nông nghiệp.

Thành phố Cao Lãnh đã có mức tăng trưởng kinh tế khá trong 3 năm gần nhất, trung bình 10,06%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 52,65%; thương mại - dịch vụ chiếm 42,88% và nông - lâm - thuỷ sản là 4,47%.

Kinh tế tăng trưởng mạnh giúp thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, đạt 83,43 triệu đồng/người/năm, bằng 1,43 lần so với cả nước trong năm 2018. Tỷ lộ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 2,4%.

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Tạo chuyển biến tích cực, sâu rộng hơn nữa

Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thật tốt các nội dung của Phong trào, tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng hơn nữa trong mọi lĩnh vực, tầng lớp nhân dân.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.

Thông báo nêu rõ, năm 2019, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục khẳng định là trụ cột vững chắc bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội được Ban Chỉ đạo Trung ương, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ngày một tốt hơn.

Nhiều nội dung hoạt động của Phong trào được lồng ghép, kết hợp triển khai sâu rộng trong xã hội; khía cạnh văn hóa, môi trường đã được chú trọng hơn trong các phong trào thi đua chung của đất nước như: xây dựng nông thôn mới, khuyến học, an toàn giao thông...; nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; công tác quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nề nếp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Việc cưới, việc tang tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nhiều tấm gương điển hình trong văn hóa ứng xử ở các lĩnh vực đã được lan tỏa và nhân rộng.

Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Phong trào được Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, kiên quyết loại bỏ bệnh chạy theo thành tích, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa của Phong trào trong xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, một số cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, bị động, không sâu sát với nhiệm vụ được phân công; hoạt động bình xét các danh hiệu văn hóa và hoạt động của Phong trào vẫn còn nặng về hình thức. Công tác tuyên truyền về thực hiện Phong trào mặc dù đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao, chưa tương xứng với vị thế và nội hàm của Phong trào.

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo các cấp cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thật tốt các nội dung của Phong trào, tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng hơn nữa trong mọi lĩnh vực, tầng lớp nhân dân.

Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn triển khai thực hiện việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ các địa phương về việc thực hiện Nghị định này; hướng dẫn, rà soát, sửa đổi các tiêu chí văn hóa trong Phong trào phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2020; tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, phổ biến kịp thời nội dung các văn bản mới liên quan đến thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho cán bộ làm công tác phong trào tại Trung ương và các địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên những hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo nâng cao trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên; nghiên cứu giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; tăng cường giáo dục pháp luật về văn hóa giao thông; không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Bộ Y tế đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho y bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh; trong đó tập trung vào việc nâng cao ứng xử văn hóa, y đức của y bác sĩ, cán bộ y tế đối với người dân đến khám, chữa bệnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí nghiên cứu các giải pháp tuyên truyền hiệu quả nội dung thực hiện Phong trào; phân loại đối tượng, lứa tuổi, cách thức để có phương pháp tuyên truyền phù hợp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào tại các địa phương

Các cơ quan thành viên khác của Ban Chỉ đạo Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào tại các địa phương theo sự phân công, bảo đảm hài hòa với chương trình công tác của các địa phương đến kiểm tra; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; lựa chọn các nội dung cụ thể của Phong trào thuộc lĩnh vực quản lý để tập trung chỉ đạo trong xây dựng đời sống văn hoá, nhất là văn hóa công sở, doanh nghiệp, trường học..., đặc biệt chú trọng chấn chỉnh kỷ cương, đẩy lùi “bệnh hình thức”.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo chủ động, tích cực trong công tác phối hợp và trong phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội khác và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hiệu quả truyền thông thực hiện Phong trào, chú trọng lồng ghép các nội dung liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa trong các phong trào thi đua khác; đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, không chỉ trên báo chí mà chú trọng truyền thông trên mạng xã hội, kiên quyết phản bác các hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa, lên án mạnh mẽ các tệ nạn như nghiện hút ma tuý, mại dâm, tệ nạn rượu bia, các hình thức đánh bạc, cá độ... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế, có hình thức phù hợp tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Phong trào giai đoạn 2000 - 2020 tại địa phương; đưa nội dung thực hiện phong trào vào Nghị quyết Đảng bộ địa phương và văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tiến hành khen thưởng theo thẩm quyền và đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong thực hiện Phong trào. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đề xuất các giải pháp thực hiện Phong trào trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo thực chất, khách quan, hiệu quả; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Ninh Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 78,26 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định.

Xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại Đà Nẵng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông, Tài nguyên và Môi trường để triển khai Dự án trên theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND thành phố Đà Nẵng trong việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho Nhà đầu tư Dự án theo đúng quy định của Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao; bảo đảm công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, mục tiêu của dự án "Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng" lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị tại Trung tâm Công an thành phố Đà Nẵng phục vụ mục đích giám sát, theo dõi, xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông.

Lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi tại 191 nút giao thông (122/137 nút đã có đèn tín hiệu giao thông (THGT); 10 nút lắp mới đèn THGT, camera; 13 nút đèn THGT sắp triển khai dự án khác; 11 nút trọng điểm không có đèn THGT và 35 nút tuyến BRT) và 31 vị trí trên 9 tuyến đường tiềm ẩn tai nạn giao thông. Nâng cấp, kết nối điều khiển tín hiệu hiện có của 106/132 nút giao thông về Trung tâm điều hành, tạo ra 7 tuyến làn sóng xanh trục chính giao thông.

Đồng thời, bổ sung hệ thống mạng truyền dẫn cáp quang kết nối toàn bộ hệ thống: Kéo rải 126km cáp quang trong cống bể mới và cống bể có sẵn; khoảng 69km tận dụng hạ tầng cống bể sẵn có và khoảng 28km với cống bể xây dựng mới./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO