Thông qua Kết quả điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai tỉnh Sơn La

Nguyễn Nga| 10/10/2020 07:57

(TN&MT) - Chiều ngày 9/10, Sở TN&MT Sơn La đã tổ chức Hội thảo kết quả thực hiện Dự án điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai tỉnh Sơn La, nhằm xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, các sở ngành, các huyện, thành phố vào kết quả Dự án.

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La phát biểu khai mạc Hội thảo

Để đánh giá thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai của tỉnh theo các mức thấp, trung bình, cao, Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1056/QĐ-UBND ngày 9/5/2019, phê duyệt Đề cương – Dự toán kinh phí Dự án điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai tỉnh Sơn La, nhiệm vụ gồm: Điều tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện, có cơ sở khoa học nguồn tài nguyên đất của tỉnh nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, khai thác, sử dụng đất có hiệu quả; đánh giá thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai làm cơ sở đề xuất giải pháp bảo vệ, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai; xây dựng bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai lần đầu làm cơ sở cung cấp dữ liệu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, tập trung, thống nhất, phục vụ đa ngành, đa mục tiêu.

Các sản phẩm chính của dự án gồm: Báo cáo tổng hợp Kết quả điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai tỉnh Sơn La. Bản đồ chất lượng đất tỉnh Sơn La tỷ lệ 1/100.000. Bản đồ tiềm năng đất đai tỉnh Sơn La, tỷ lệ 1/100.000.

Đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện Dự án

Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện Dự án. Dự án được thực hiện trên tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 1.410.983ha. Trong đó, diện tích điều tra, đánh giá chất lượng đất là 626.024,39ha; diện tích điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai là 627.499,50ha.

Theo đó, chất lượng đất cao, toàn tỉnh có hơn 22.945 ha, tập trung nhiều ở các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Phù Yên. Phân bổ chủ yếu ở các nhóm đất thung lũng, nhóm đất đỏ vàng, đất phù sa và xuất hiện nhiều nhất trên diện tích đất trồng lúa.

Chất lượng đất trung bình có diện tích hơn 341.850ha. Phân bổ tập trung nhiều nhất ở các huyện Mai Sơn, Phù Yên, Sông Mã, chủ yếu trên nhóm đất đỏ vàng, đất mùn vàng đỏ trên núi và trên diện tích đất trồng cây hàng năm khác.

Chất lượng đất thấp là hơn 261.227ha, tập trung nhiều ở các huyện Bắc Yên, Thuận Châu, Yên Châu, Vân Hồ, phân bổ nhiều nhất ở nhóm đất đỏ vàng, đất mùn đỏ vàng và trên đất rừng sản xuất.

Về thực trạng tiềm năng đất đai, tiềm năng cao là hơn 1.772 ha, trong đó các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã có kết quả đánh giá tiềm năng cao chiếm ưu thế, chủ yếu là đất trồng lúa.

Tiềm năng trung bình là hơn 338.938ha, trong đó các huyện Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu có kết quả đánh giá tiềm năng trung bình chiếm ưu thế, chủ yếu là đất trồng cây hàng năm khác và đất rừng sản xuất.

Tiềm năng thấp, có tổng diện tích hơn 286.788ha, trong đó các huyện Phù Yên, Thuận Châu có kết quả đánh giá chiếm ưu thế, chủ yếu là đất rừng sản xuất.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến vào Báo cáo thực hiện Dự án

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất định hướng sử dụng đất bền vững và các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất, giảm thiểu thoái hóa đất.

Đồng thời, đề xuất các mô hình sử dụng đất phù hợp. Cụ thể, mô hình trồng lúa với tổng diện tích các khu vực chuyên canh lúa là hơn 5.595ha, tập trung ở khu vực thấp, thung lũng các sông Đà, Sông Mã, chủ yếu ở các huyện Phù Yên, Sốp Cộp, Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sông Mã, Bắc Yên, Mường La.

Mô hình trồng rau củ quả gồm: Mô hình trồng cây ăn quả tập trung thâm canh theo hướng VietGap. Mô hình trồng cây hàng năm khác, với định hướng vùng chuyên canh cây mía là hơn 7.100ha, chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp mía đường, phân bố tại huyện Mai Sơn.

Mô hình trồng cây lâu năm, gồm: Mô hình chuyên canh cây công nghiệp lâu năm (cà phê, cao su, chè Mộc Châu, Bắc Yên…, nhãn Sông Mã, Mai Sơn); mô hình trồng xen canh cây lâu năm (cây ăn quả, cây rừng với cây công nghiệp lâu năm như xoài Yên Châu, mận Mộc Châu, Vân Hồ).

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề nghị các sở, ngành, UBND cấp huyện làm tốt công tác khuyến nông, tuyên truyền người sử dụng đất triển khai các mô hình trồng cây theo đường đồng mức, trồng cây hàng năm có các đai rừng che chắn; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm bảo vệ, cải tạo đất, phòng chống suy thoái đất.

Sử dụng kết quả đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai của tỉnh làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Xác định các khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu để có kế hoạch chuyển đổi phù hợp và đảm bảo sử dụng đất bền vững.

Các ý kiến tập trung thảo luận làm rõ định hướng, giải pháp bảo vệ, sử dụng đất bền vững, thích ứng BĐKH

Trên cơ sở kết quả đánh giá chất lượng, tiềm năng và thoái hóa đất đai, kiến nghị UBND tỉnh tập trung quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường đất để xác định mức độ, diễn biến chất lượng đất tại 1 số vị trí đã có dấu hiệu suy giảm chất lượng theo thời gian và tại các khu vực đang có nguy cơ suy giảm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất trên từng địa bàn, khu vực cụ thể để phục vụ việc quản lý, sử dụng đất bền vững; rà soát, thống nhất lại với diện tích một số loại đất; trao đổi về các định hướng, giải pháp bảo vệ, sử dụng đất bền vững…

Kết luận hội thảo, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La Nguyễn Tiến Dương cho biết: Qua báo cáo kết quả Dự án Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai tỉnh Sơn La, nhìn chung sát với hiện trạng đất đai của tỉnh và được các sở, ngành, các huyện, thành phố thống nhất.

Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu dự hội thảo, tiếp thu ý kiến tham gia, hoàn chỉnh Dự thảo báo cáo và trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 20/10/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Kết quả điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai tỉnh Sơn La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO