Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải đáp nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực ngân hàng

Thanh Tùng-Khương Trung| 08/06/2022 22:40

(TN&MT) - Nhiều vấn đề “nóng” thuộc lĩnh vực ngân hàng như vấn đề tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn nạn “tín dụng đen”, tín dụng cho bất động sản được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải đáp trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, chiều 8/6.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng về Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng.

9999.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội chất vấn Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng tập trung vào các nội dung: Một là, tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước. Việc phối hợp chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô;

Hai là, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.

Ba là, việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp phòng chống tín dụng đen tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng.

Vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Phát biểu chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình khẳng định, doanh nghiệp cảm ơn sự chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy vậy, họ vẫn còn một số băn khoăn muốn đề cập. Thứ nhất là về vấn đề lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ vẫn cho rằng lãi suất hiện vẫn cao nên việc tiệm cận với nguồn vay vẫn còn khó khăn?

Thứ hai là việc 2% ngân sách nhà nước hỗ trợ ngành ngân hàng để bù đắp lãi suất cho doanh nghiệp hiện nay, đang triển khai đến đâu và các ngành nghề được thụ hưởng sau khi có nghị quyết của Quốc hội hỗ trợ doanh nghiệp có kịp thời, nhanh chóng hay không?

11.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Đối với vấn đề tín dụng, lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước quan tâm. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống, có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài, khi lạm phát tăng trên toàn cầu. Ở các nước, lãi suất tăng lên rất nhiều, trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Trong những tháng qua, tín dụng tăng ở mức khá cao, tuy áp lực lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản điều tiết, ổn định được mặt bằng lãi suất so với cùng kỳ.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết 43/2022-QH15 đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân.

Theo đó, trong hai năm, tổng lãi suất giảm là khoảng 47.000-48.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn chế nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện nguyên tắc khi cho vay thì khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ, vì tiền cho vay cũng là huy động của người dân.

Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận, Nhà nước ta đã đưa ra các giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ra các nghị định, có các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện, cả nước có khoảng 29 quỹ tín dụng quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương. Do đó, trong thời gian tới, sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó, tạo điều kiện rộng mở hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

le-thanh-van.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn về tín dụng cho bất động sản. Ảnh: quochoi.vn

Không “đóng cửa” tín dụng cho bất động sản

Liên quan đến vấn đề tín dụng cho bất động sản, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn.

Trong khi đó, mục đích quản lý của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Với tư cách người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Thống đốc chỉ rõ các giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Tín dụng là một kênh tham gia đầu tư bất động sản. Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Lĩnh vực bất động sản có rủi ro mất vốn. Để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.

"Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Với thị trường bất động sản, điều hành nội dung phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát, quản lý chặt thị trường đó, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đó phát triển. Cần phải chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể giật cục, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng nhiều nội dung khác nhau.

thanh-cam.jpg
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm chất vấn về vấn nạn "tín dụng đen". Ảnh: quochoi.vn

Ngăn chặn “tín dụng đen”

Nêu vấn nạn tín dụng đen, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, tại một số địa phương có tình trạng các tổ chức, cá nhân hoạt động “tín dụng đen” núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính có hoặc không có giấy phép kinh doanh với lãi suất lên tới 300%/ năm. Trong quá trình hoạt động phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa người đi vay với người cho vay, giữa các cổ nhóm cho vay; có hiện tượng đòi nợ thuê, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… khiến cho nhiều người mất nhà, gia đình ly tán, các cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Tuy nhiên, đến nay, hiện tượng này vẫn tồn tại và ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn, dẫn đến những hệ lụy to lớn cho gia đình, xã hội. Ở góc độ của ngành, đại biểu đề nghị Thống đốc nêu rõ những giải pháp lâu dài để giải quyết vấn nạn này, để người dân, đặc biệt là người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn tín dụng hợp pháp và yên tâm lao động sản xuất kinh doanh.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, "tín dụng đen" là vấn đề được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để thực hiện các giải pháp hạn chế tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó, có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống.

“Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó, quy định rất rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất”, Thống đốc cho biết.

Ngoài ra, trong quá trình chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia, theo đó, tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, cũng như những người yếu thế sẽ được quan tâm triển khai. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Một điểm quan trọng nữa, theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng truyền thông để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiểu được các chính sách tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách… Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số chương trình trên truyền hình như Chương trình tiền khéo, tiền khôn; Chương trình tay hòm chìa khóa…, trong đó nhiều những hướng dẫn để bà con có thể biết được những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải đáp nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO