Thông điệp mùa xuân…

Tống Minh| 09/01/2020 14:15

(TN&MT) - Cách đây gần 1 năm, khi dự Hội nghị của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”!

Nhất quán quan điểm của người đứng đầu Chính phủ, năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã có những bước chuyển biến tích cực, tạo nền tảng và tiếp thêm động lực cho năm mới 2020 phát triển bền vững hơn…

1. Nếu được đặt bút vẽ bức tranh môi trường của Việt Nam năm 2019, tôi sẽ chọn những gam màu nóng để thể hiện sức “nóng” tỏa lan từ ngọn lửa nhiệt tâm, nhiệt huyết, đồng lòng, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và người dân khi cùng chung tay bảo vệ môi trường qua những phong trào và hành động thiết thực được triển khai.

Đó là lần đầu tiên, Việt Nam phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi cả nước. Từ lời kêu gọi của Thủ tướng tại Lễ ra quân ngày 9/6: “Để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững, ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa”, hàng loạt các hoạt động hưởng ứng đã diễn ra.

 

Từ ngày 12/8, Quốc hội không dùng chai nhựa mà sử dụng bình thủy tinh để đựng nước uống. Tại Bộ TN&MT, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đều “nói không” với chai nhựa dùng một lần. Liên minh các doanh nghiệp chống rác thải nhựa được hình thành và hiện thực hóa thành những việc làm nhỏ bé mà vô cùng ý nghĩa. Hình ảnh bó rau được gói bằng lá chuối thay vì túi ni lông tại các siêu thị, những ống hút giấy, cốc giấy thay thế cho ống hút nhựa, cốc nhựa đã truyền đi thông điệp về lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Để rồi, có một Lễ khai giảng giản dị mang thông điệp của Nguyệt Linh không thả bóng bay, có khu chợ không dùng túi ni lông, có những nếp nhà đã vắng bóng túi ni lông “tiện lớn, hại nhiều”…

Túi ni lông, chai, lọ nhựa ấy đều là chất thải rắn. Khi coi chất thải là tài nguyên và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thì chất thải rắn không còn vô giá trị, nó có thể được đốt để phát điện, chế biến thành phân compost… Thế nhưng, 71% rác thải vẫn nằm lại trong lòng đất, trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Vậy là, vấn đề quản lý chất thải rắn lại được đặt ra “nóng hổi”. Nghị quyết 09 của Chính phủ giao Bộ TN&MT là đầu mối thống nhất quản lý về chất thải rắn đã tháo gỡ bất cập chồng chéo 7 Bộ cùng quản lý, tạo sự chuyển biến có tính chất “cách mạng” trong công tác quản lý. Cùng với đó, để khai mở tiềm năng từ rác, các Bộ, ngành lại cùng bàn thảo để tìm công nghệ phù hợp áp dụng tại từng địa phương, với mục tiêu hạn chế thấp nhất đến mức có thể tình trạng chôn lấp rác.

Năm 2019, cũng là thời điểm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Thành tích đáng ghi nhận là Chương trình đã về đích sớm gần 2 năm so với kế hoạch, tạo ra đột phá lịch sử, thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Với 5.835 xã (chiếm tỷ lệ 65,5%) đạt tiêu chí về môi trường, Chương trình đã tạo sự đột phá trong tư duy, nhận thức, cách làm bảo vệ môi trường nông thôn, để mỗi làng quê Việt trở thành những miền quê đáng sống!

Điểm lại một số điểm sáng trong bức tranh môi trường năm qua, mới thấy rõ hơn nhận thức của toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường. Ý niệm “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế” đã thấm nhuần vào quan điểm chỉ đạo của các cấp, các ngành. Những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, những công nghệ lạc hậu đã khó có thể tìm được chỗ đứng ở Việt Nam.

2. Không hoàn toàn lạc quan duy ý chí khi “điểm qua” những chấm sáng trong công cuộc bảo vệ môi trường, bởi tất nhiên, bên cạnh những gam màu tươi sáng, bức tranh môi trường Việt Nam vẫn còn tồn tại những gam màu tối. Để chỉ ra đâu là những vấn đề môi trường nổi cộm nhất hiện nay, không ít người sẵn sàng nói ngay rằng: Họ rất quan ngại về ô nhiễm không khí!

Đã có “những bình minh tím, đỏ” cho thấy chất lượng không khí ở mức nguy hại, cảnh báo người dân không nên ra ngoài, không nên tập thể dục vào sáng sớm. Đó là thông tin suốt nhiều ngày từ tháng 9/2019 kéo dài đến tận những ngày cuối năm, khiến dư luận lo lắng, băn khoăn. Người đứng đầu Chính phủ phải lên tiếng yêu cầu có giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí. Bộ TN&MT phải họp khẩn với các Bộ, ngành và lãnh đạo 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để phân tích diễn biến chất lượng không khí, tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp cấp bách trước mắt, lâu dài.

Lật lại những vụ việc “nóng” về môi trường của năm qua, hằn in trong tâm trí của những người dân sống ở khu vực quận Thanh Xuân - Hà Nội là những ngày cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông. Một lượng lớn thủy ngân đã phát tán ra môi trường, gây nguy hại đến sức khỏe con người. Những vết cháy còn nham nhở. Những cánh cửa đóng kín. Nhiều gia đình di tản. “Hoang mang” về thông tin, dẫn đến sự bất định trong cuộc sống!

Vừa lo không khí nhiễm độc, người dân vùng ấy và một số khu vực khác của Thủ đô lại trải qua những ngày lo lắng khôn cùng về chất lượng nước sinh hoạt khi xảy ra vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nước sông Đà. Chưa hết, hành vi đổ trộm chất thải nguy hại ở Sóc Sơn lại một lần nữa dấy lên phản ứng của dư luận về đạo đức, lương tri của con người khi xâm hại môi trường, cũng đồng thời làm tổn thương đến bao nhiêu người khác…

3. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, để bảo vệ môi trường nước, giữ rừng và nhân lên màu xanh ở quê hương xứ sở, năm 2020, Bộ TN&MT tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để trình Quốc hội phê duyệt. Quan điểm đặt ra là phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên. Đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển bền vững.

Như vậy, không có sự đánh đổi môi trường lấy kinh tế và thậm chí, không có chuyện lựa chọn hoặc kinh tế - hoặc môi trường. Kinh tế và môi trường phải luôn song hành để đảm bảo phát triển bền vững. Theo đó, mức độ tăng trưởng kinh tế cũng cần đồng thời tương ứng với mức độ gia tăng về chất lượng môi trường.

“ Việt Nam đã ở một vị thế khác.  Việt Nam có quyền được lựa chọn những gì tốt nhất cho con đường phát triển bền vững của mình”.

Ngân hàng Thế giới

 

Có thể thấy, thông điệp “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” đã được Chính phủ đưa ra như một nguyên tắc thép và một lằn ranh không thể vượt qua trong tương lai. Nhưng thực tế, phạm vi áp dụng của nguyên tắc “không đánh đổi” này mới chỉ được áp dụng đối với các dự án xét duyệt mới, hoặc các dự án đã đi vào hoạt động nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nguyên tắc “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” cần được hiểu theo một hàm nghĩa rộng hơn, không chỉ dừng lại ở ngăn chặn các thảm họa môi trường, mà còn là quản lý phát triển kinh tế theo một mô hình mới với hướng lành mạnh và bền vững hơn.

Những thông điệp quyết liệt đã được đưa ra từ cấp cao nhất. Đó là định hướng cho sự phát triển bền vững, là nền tảng để tạo dựng những mùa xuân đầy sức sống cho đất nước - những mùa xuân xanh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp mùa xuân…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO