Thời tiết cực đoan sẽ gây khủng hoảng nhân đạo toàn cầu

Mai Đan - Tổng hợp từ UN News| 01/03/2022 12:07

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) mới đây cho biết, tác động của thời tiết khắc nghiệt tại Madagascar là một minh chứng cho thấy thế giới sẽ phải đối mặt với “nhu cầu cứu trợ nhân đạo cấp thiết” nếu không hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Cảnh báo được đưa ra sau khi bão Emnati đổ bộ Madagascar vào ngày 23/2 - một trong những quốc gia chịu nhiều cơn bão nhất ở châu Phi.

Chỉ trong 1 tháng, Madagascar hứng chịu 4 cơn bão

WFP cho biết, bão Emnati là cơn bão nhiệt đới thứ 4 đổ bộ vào Madagascar trong 1 tháng. Các cơn bão - Emnati, Dumako, Batsirai và Ana - đã tàn phá quốc đảo này, gây ra thiệt hại trên diện rộng cho đất nông nghiệp, bao gồm cả vụ lúa chỉ còn vài tuần nữa là thu hoạch. Các loại cây màu như đinh hương, cà phê và hồ tiêu cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo WFP, ước tính khoảng 90% mùa màng có thể bị phá hủy ở một số khu vực chịu ảnh hưởng, đặc biệt đáng lo ngại ở một quốc gia, nơi phần lớn người dân kiếm sống bằng nghề nông.

Khủng hoảng khí hậu làm gia tăng nạn đói

Khủng hoảng khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến mùa màng mà còn tiếp tục làm gia tăng nạn đói trên toàn cầu. WFP nhấn mạnh: “Vào năm 2020, thời tiết khắc nghiệt là một trong các tác nhân gây trầm trọng hầu hết các cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở 15 quốc gia”.

Theo các báo cáo gần đây, có khoảng 13 triệu người thức dậy trong tình trạng đói nghiêm trọng mỗi ngày ở vùng đất Sừng châu Phi (Horn of Africa) trong bối cảnh khu vực này phải vật lộn với đợt hạn hán lớn do tình hình khô hạn nhất kể từ năm 1981 gây ra.

anh-1-bao-batsirai.jpg

Người dân Madagascar bên cạnh những gì còn sót lại trong ngôi nhà của họ sau cơn bão Batsirai. Ảnh: WFP

Cơ quan lương thực của Liên Hợp Quốc cho hay, bão Emnati đã tấn công các cộng đồng dễ bị tổn thương, khiến nạn đói trở nên trầm trọng hơn, nhất là ở miền Nam Madagascar, nơi đã quay cuồng sau nhiều năm hạn hán nghiêm trọng. Bên cạnh tình trạng đất đai khô hạn ở những khu vực này, mối lo ngại về nguy cơ lũ quét cũng đang gia tăng.

Ông Brian Lander, Phó Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WFP cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy ở Madagascar là tác động khí hậu khắc nghiệt, hàng loạt cơn bão và hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người”.

Tháng 12 năm ngoái, đã có 1,64 triệu người bị mất an ninh lương thực và cần hỗ trợ nhân đạo trên khắp đất nước này. Các cơn bão nối tiếp nhau cũng đã tác động đến nguồn cung thị trường, có thể khiến giá lương thực tăng vọt và tình trạng mất an ninh lương thực tăng cao trong những tháng tới.

Thích nghi với thực tế mới

Ông Lander cho biết, trong khi WFP đang cung cấp thực phẩm thiết yếu sau những cơn bão, chúng ta cũng cần nhanh chóng suy nghĩ về cách các cộng đồng này sẽ thích ứng với thực tế mới này.

Mặc dù hỗ trợ lương thực và tiền mặt đang được thực hiện để giảm bớt tác động của các cơn bão gần đây, cũng như hỗ trợ về công nghệ thông tin và hậu cần, nhưng WFP nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với khí hậu lâu dài để giúp cộng đồng chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau các cú sốc và căng thẳng khí hậu.

Chẳng hạn, năm ngoái, hoạt động quản lý rủi ro tổng hợp của WFP tại các huyện Ambovombe và Amboasary (Madagascar) đã tiếp cận được 3.500 nông dân sản xuất nhỏ với các khóa đào tạo về bảo hiểm, tiết kiệm và thực hành nông nghiệp thích ứng với khí hậu.

Bên cạnh đó, WFP đang kêu gọi nhân rộng các chương trình ứng phó dài hạn, đặc biệt là đối với các cộng đồng ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Kế hoạch Chiến lược Quốc gia của WFP ở Madagascar nhằm thúc đẩy một hệ thống bảo trợ xã hội tích hợp, ứng phó nhanh để đảm bảo rằng các nhóm dân cư dễ bị tổn thương được tiếp cận với thực phẩm bổ dưỡng trước, trong và sau các cuộc khủng hoảng khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời tiết cực đoan sẽ gây khủng hoảng nhân đạo toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO