Thời tiết bất thường khiến bệnh dịch mùa hè gia tăng

VIệt Anh| 04/05/2022 13:42

(TN&MT) - Trước dự báo thời tiết mùa hè có những diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm, Bộ Y tế cảnh báo, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do vi rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản... có thể bùng phát thành dịch lớn.

Gia tăng số ca nặng và cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát

Theo Bộ Y tế, vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam; sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển. 

Hơn nữa, hiện nay, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ do dịch COVID-19, nguy cơ dịch bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học là rất lớn nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch.

hinh-bai-viet-phong-benh-sot-xuat-huyet-gia-tang-trong-mua-mua.jpg
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Phòng chống bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 4, TP ghi nhận gần 4.500 ca mắc Sốt xuất huyết Dengue, trong đó, có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca.

Với số ca mắc Sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được thống kê.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của Sốt xuất huyết, một loại dịch bệnh đặc hữu của Thành phố. Cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch thì dự báo năm 2022, bệnh Sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp và Ngành Y tế cần hành động ngay. Mục tiêu là hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

Ghi nhận trên cả nước, theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 14.700 ca bệnh, trong đó 6 ca tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc giảm nhẹ nhưng số tử vong tăng 1 trường hợp. Dự báo, số ca sốt xuất huyết có thể gia tăng trong thời gian tới do vào mùa dịch, thời tiết thuận lợi để dịch bệnh phát triển.

Không chỉ sốt xuất huyết, các các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do vi rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản… cũng có khả năng bùng phát và lây lan diện rộng. Đây là những bệnh lây truyền qua vector có liên quan tới các đặc trưng khí hậu như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, cường độ gió…

Tăng cường các giải pháp phòng chống

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đã gửi Công văn đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các Ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn.

Trong đó, chú trọng tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt. Tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín. hực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng…

anh-minh-hoa(1).jpg
Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Bộ Y tế cũng đề nghị, Sở Y tế các địa phương cần phối hợp với ngành giáo dục để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Các địa phương phải tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Chủ động chuẩn bị đủ kinh phi để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.

Biến đổi khí hậu khiến bệnh dịch nghiêm trọng hơn

Theo Báo cáo Đánh giá khí hậu Quốc gia (Bộ TN&MT), nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu thế gia tăng, làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, nhất là người cao tuổi, người mắc các bệnh nền như tim mạch, cao huyết áp, thân kinh, cơ xương khớp, hô hấp, dị ứng, hen suyễn, xoang.

Các nghiên cứu về biến đổi khí hậu từ năm 2016 cho thấy, nhiệt độ không khí tăng và lượng mưa thay đổi sẽ khiến nhóm bệnh lây truyền qua vector diễn biến phức tạp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Nhóm bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa gia tăng các ca bệnh tả, lỵ. Trong khi đó, nhóm bệnh khác như cao huyết áp, say nắng/say nóng, tâm thần, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, bệnh đường hô hấp, đột quỵ, tai biến do sóng nhiệt hoặc rét đậm sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Một nghiên cứu khác do Chương trình GEMMES Việt Nam thực hiện dựa trên dữ liệu 28 loại bệnh của các tỉnh trong năm 2009–2018 từ bộ Y tế. Kết quả cho thấy, nhiệt độ và tốc độ gió ảnh hưởng đến ba loại bệnh truyền nhiễm chính, bao gồm: lây truyền qua cơ chế lan truyền véc tơ (bởi virus, vi khuẩn..), đường không khí và đường nước cho tất cả các tỉnh của Việt Nam. Vùng lạnh sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nếu nhiệt độ tăng cao. Ngược lại, nơi nóng sẽ có tác động dịch bệnh cao hơn nếu nhiệt độ khu vực giảm xuống. Sự gia tăng nắng nóng tác động đến tỷ lệ tử vong, mức độ tác động sẽ càng mạnh hơn khi nắng nóng kéo dài.

 Hiện nay, kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tài chính của địa phương. Như vây, những tỉnh có chi tiêu công hàng năm kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thấp sẽ có nguy cơ xảy ra bệnh dich cao hơn, do công tác phòng chống phần nhiều phụ thuộc vào ý thức của người dân. Vì vậy, cần phải có thêm các chương trình hỗ trợ đồng bộ, toàn diện hơn để đối phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt đối với chăm sóc sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời tiết bất thường khiến bệnh dịch mùa hè gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO