Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt: Điểm tựa tinh thần cho khách thập phương

Lê Khanh| 26/12/2019 19:26

(TN&MT) - Tất cả du khách đến Đà Lạt, ngoài thăm thú những địa danh nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Thác CamLy, Thung lũng Tình yêu, Làng Cù Lần, Ma rừng Lữ quán thì không ai không đặt chân đến Thiền Viện Trúc Lâm. Quì dưới chân đức phật, tất cả đều chung một niềm vui an lạc cuộc sống tốt đẹp phía trước, và bao ưu phiền tan biến hết.

Chung một tấm lòng

Một trong điểm “địa chỉ đỏ” của chúng tôi đến thành phố Đà Lạt mộng mơ giữa mùa hè nóng nực này là Thiền Viện Trúc Lâm- nơi mà tất cả dù khách nội quốc hay người nước ngoài đều ghé thăm sau khi thăm vườn dâu hoặc đi cáp treo Đà Lạt. Đến Thiền Viện Trúc Lâm cốt chính là tìm đến sự an tịnh tinh thần, “hóa giải” những điều trắc ẩn, cầu mong một cuộc sống phía trước hạnh phúc, tốt đẹp.

Thiền Viện Trúc Lâm nhìn từ cáp treo

Lần thứ hai gia đình chị Vũ Minh Quyên đến Đà Lạt từ thành phố Vũng tàu, cũng là hai lần chị đưa  hai con trai đến vãn cảnh Thiền Viện Trúc Lâm. Chị Quyên cho biết, lần nào đến Đà Lạt, chị cũng đến Thiền Viện. Đến đây, chị tìm thấy sự an bình trong tâm hồn. “Tôi làm việc cho công ty đóng tàu nước ngoài. Cuộc sống đời thường càng xô bồ gấp gáp bao nhiêu, đến đây càng an lòng bấy nhiêu. Gia đình tôi thờ Phật, việc răn dậy con cái cũng theo triết lý của Phật. Tôi đưa hai tôi đến đây để chúng cảm nhận được sự tĩnh lặng yên bình từ nhà chùa”, chị Quyên chia sẻ.

Đến từ Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Lại chọn Thiền Viện Trúc Lâm làm điểm đến đầu tiên trong chặng hành trình. Bà quan niệm rằng, trước khi đi thăm thú núi rừng, phong cảnh điền viên, đến chùa lễ Phật là việc đầu tiên bà cần làm. “Từ Bắc vào đây không thể không thăm Thiền Viện Trúc Lâm. Tôi cho rằng, đến để chùa không chỉ tham quan, mà còn đến để sống chậm. Chỉ có đến đây mới “gột bỏ” được vướng bận, bao muộn phiền tan biến hết”- bà Lại, nói.

Du khách tham quan Thiền Viện Trúc Lâm

Sau khi “phượt” hơn 400 km đường dài từ Đà Nẵng, Anh Vũ Văn An và chị Trần Thúy Mai chọn Thiền Viện Trúc Lâm làm điểm dừng chân. Trời đã ngả xế tà, anh An vẫn đưa bạn gái đến thắp hương cúng Phật. “Lúc quì trước Phật tổ, tôi cảm giác tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng, cuộc sống trở nên đáng sống và quí trọng những người xung quanh mình”, anh An, nói.

Những kiến trúc độc đáo

Hàng triệu lượt du khách đến Thiền Viện Trúc Lâm đều có chung một tấm lòng hướng Phật, cầu lộc, an bình, nhưng không phải ai cũng tường tận Thiền Viện Trúc Lâm có gì đặc biệt. Nói cách khác là không phải ai cũng biết ở nơi thanh tịnh này, có những kiến trúc độc đáo mà không nơi nào có được.

 Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt là ngôi thiền viện theo dòng phái Trúc Lâm Yên Tử, và đây là ngôi thiền viên lớn nhất Việt Nam tọa lạc trên núi Phượng Hoàng cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5km về hướng Nam. Thiền viện này được khởi công xây dựng từ năm 1993 đến năm 1994 thì hoàn thành.

Lầu chuông trước chánh điện

Ngồi trên cáp treo nhìn xuống, Thiền Viện Trúc Lâm là một quần thể  với những ngôi nhà mái ngói cong vút đan xếp vào nhau, trầm mặc dưới rừng thông bát ngát, bên cạnh Hồ Tuyền Lâm nước trong xanh mát mẻ quanh năm không bao giờ vơi cạn. Và ngay cạnh sát đó là khu nghỉ dưỡng Resot 5 sao Dala Edend. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt được chia thành 2 khu vực chính: Khu vực ngoại viện và khu vực nội viện tăng, nội viện ni. Khu vực ngoại viện bao gồm các công trình như chánh điện, Hồ Tịnh Tâm, Lầu chuông, Gác trống, Tổ đường thờ Đạt Ma Sư Tổ. Khu nội viện bao gồm hai khu vực riêng biệt, đây là nơi tu tập của các sư tăng và sư ni tại thiền viện. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt do Hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập. Hiện nay người trụ trì là Thượng tọa Thích Thông Phương.

Sau khi “leo” những bậc thang từ chân núi, du khách sẽ đi ngàn qua một cổng tam quan, rồi đi vào khu chánh điện của thiền viện. Khu chánh điện có diện tích khoảng 192m vuông, bên trong chánh điện thờ tự đơn giản nhưng mang ý nghĩa quan trọng trong Phật giáo.

 Bên ngoài sân điện, bên trái của sân là gác trống và bên phải lầu chuông được chạm khắc các hình tượng tinh xảo. Bên ngoài quả chuông nặng 1,1 tấn đúc tại Huế khắc những dòng chữ: Phải trái niệm rơi theo hoa sớm/ lợi danh tâm lạnh với mưa đêm/mưa tạnh hoa trơ non vắng lạnh/chim kêu một tiếng lại xuân tàn/ở đời vui đạo hãy tùy duyên/đói đến thì ăn mệt ngủ liền/trong nhà có báu thôi tìm kiếm/đói cảnh vô tâm chớ hồi thiền.

Cáp treo Đà Lạt

Hòa thượng Thích Thanh Từ chia sẻ, rất nhiều du khách đến thiền viện đều sờ tay vào chuông như tìm sự may mắn. Thân chuông đều có những dòng triết lý sâu sắc. Tiếng chuông tỉnh sớm tinh mơ là báo hiệu một ngày mới, tiếng chuông trước lúc lên đèn là khép lại một ngày cũ. Tiếng chuông của thiền viện ngân xa người bên kia Hồ Tuyền Lâm vẫn nghe văng vẳng.

Một trong những “điểm nhấn” của Thiền Viện Trúc Lâm là vườn hoa trước chánh điện. Tất cả du khách đặt chân đến đây, không ai không đứng cạnh vườn hoa, thả hồn theo những đóa hoa thơm ngát. Những nam thanh nữ tú không quên chụp cho riêng mình tấm ảnh làm kỷ niệm.

Thiền Viện Trúc Lâm nơi thờ Phật thiêng liêng nhất của cao nguyên lâm viên. Nhiều du khách quan niệm rằng, đến Đà Lạt tham thú núi rừng, nhưng chưa đến Thiền Viện Trúc Lâm thì coi như chỉ đến Đà Lạt một nửa. Thiền Viện Trúc Lâm không quá rộng để chứa nhiều người, nhưng cũng đủ lớn để đón tiếp hàng triệu lượt khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh. Dù là cán bộ, đảng viên, doanh nhân hay dân thường, đều có chung một cảm nhận an bình khi đến nơi linh thiêng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt: Điểm tựa tinh thần cho khách thập phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO