Thích ứng biến đổi khí hậu gắn với giảm nghèo bền vững - Những tín hiệu từ Hải Dương

Phạm Duy| 06/10/2022 09:29

(TN&MT) - Những năm qua, bằng sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách, dự án thuộc Chương trình giảm nghèo được triển khai thực hiện tốt, gắn với công tác bảo vệ tài nguyên, ứng phó BĐKH, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2020, Hải Dương có trên 40.600 hộ thoát nghèo, 1.261 hộ tái nghèo, hơn 7.600 hộ phát sinh nghèo mới; gần 39.000 hộ thoát cận nghèo, 3.411 hộ tái cận nghèo, 20.056 hộ phát sinh cận nghèo mới. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 4.642 hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội; 11 hộ nghèo thuộc diện dân tộc thiểu số; không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng.

8a-2-.jpg

Để có kết quả giảm nghèo trong vòng 5 năm như trên, Hải Dương đã tập trung xây dựng các kế hoạch, chỉ tiêu theo từng năm, phân bổ các nguồn lực để thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, đồng thời có các cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người dân chủ động vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Là một trong những địa phương đứng đầu về diện tích canh tác theo hướng hữu cơ cũng như chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi, huyện Tứ Kỳ đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân xóa nghèo hiệu quả. Đặt mục tiêu giảm còn khoảng 1,3% tỷ lệ hộ nghèo vào cuối năm 2022. Tứ Kỳ đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, an toàn, thân thiện với môi trường.

Còn tại huyện Kim Thành, hiện chỉ còn 1,36% hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nông thôn mới là 0,75%, giảm 10,18% so với năm 2011. Hằng năm, huyện đã xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó dành sự quan tâm đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Số lượng hộ nghèo, cận nghèo được giảm khá bền vững qua từng năm, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng lên. Song song đó, huyện Kim Thành đã làm tốt việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo. Giai đoạn 2012 - 2021, trung bình mỗi năm huyện đã hỗ trợ từ 40 - 60 triệu đồng/hộ để xây 20 nhà. Năm 2022, huyện phê duyệt hỗ trợ xây nhà cho 49 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người có công với số tiền 60 triệu đồng/hộ, góp phần tích cực bảo vệ đời sống nhân dân an toàn trước thiên tai.

Ông Bùi Thanh Tùng - Giám đốc Sở LĐTB&XH Hải Dương cho biết: Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được các huyện, thị xã, thành phố hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương. Công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo cũng được quan tâm, tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

8a-1-.jpg

Bà Phạm Thị Quy ở thôn Văn Mạc, xã Liên Mạc thuộc diện hộ nghèo được huyện Thanh Hà hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà

Đến hết năm 2021, theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg (áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hải Dương giảm còn 1,00% (giảm 0,36% so với năm 2020), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,79% (giảm 0,21% so với năm 2020). Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP (áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1,93%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 2,18%. Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 xuống còn 1,75% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2%.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tại một số địa phương, tỷ lệ tái nghèo, tái cận nghèo còn cao. BĐKH và nước biển dâng ngày càng thể hiện rõ nét thông qua các hiện tượng bão, áp thấp nhiệt đới không theo quy luật, hạn hán, xâm nhập mặn, suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi nhiệt độ, phát thải khí nhà kính… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội và người dân Hải Dương.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh xác định, việc triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững cần tiếp tục gắn với giảm thiểu rủi ro do thiên tai và thích ứng BĐKH. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về thích ứng BĐKH, kịp thời phản ứng với những hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm.

Song song đó, lồng ghép chính sách, xây dựng và phát triển các chương trình hỗ trợ gắn với giảm thiểu rủi ro, đa dạng hóa sinh kế cho người dân, hướng tới giải quyết các vấn đề về an ninh con người, nâng cao năng lực tự ứng phó cho nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế trước tác động BĐKH. Tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, nuôi trồng thuỷ sản. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo và cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, xây dựng mô hình hợp tác liên kết sản xuất cho các nhóm hộ nghèo và cận nghèo tham gia để tăng thu nhập, giúp giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng biến đổi khí hậu gắn với giảm nghèo bền vững - Những tín hiệu từ Hải Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO