Thị xã Thái Hòa (Nghệ An): Nhiều trạm bơm thủy lợi không phát huy hiệu quả

02/10/2018 18:04

(TN&MT) - Đầu tư trên trăm tỷ, nhưng đến nay, một số trạm bơm thuộc hợp phần của Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) vẫn chưa được bàn giao dù đã xây xong nhiều năm. Nhiều trạm bơm và hệ thống kênh tưới của dự án này đang tồn tại không ít bất cập, chưa phát huy được hiệu quả, có nguy cơ lãng phí cao.

Trạm bơm Vực Giồng được xây dựng tại xóm 4, xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa. Đây là một trong những công trình của hợp phần các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu của Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng (thủy lợi Bản Mồng) do Sở NN&PTNN tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Công trình có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 70ha lúa 2 vụ và gần 150ha màu. Trạm có 2 máy bơm chìm với tổng công suất 90KW, nhà vận hành, trạm biến áp, 2 tuyến kênh chính dài gần 3km, 4 tuyến kênh cấp 1 dài hơn 2,6km, tổng kinh phí 30 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình được hoàn thành cuối năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao được.

Tuyến kênh hở của trạm bơm Vực Giồng chưa sử dụng nhưng một số đoạn đã bị sập, lở
Tuyến kênh hở của trạm bơm Vực Giồng chưa sử dụng nhưng một số đoạn đã bị sập, lở
 

Theo quan sát của chúng tôi, một số đoạn kênh chạy qua đồng mía, cỏ voi và ngô của xóm 4, xã Nghĩa Hòa nhưng do lâu ngày không sử dụng đã bị bồi lấp, một số điểm kênh đã bị nứt, lở. Tại tuyến kênh máng được thiết kế để tưới cho khu vực đồng Giông của xóm 4 và xóm 3, lòng kênh cỏ cũng đã mọc um tùm; đoạn cắt ngang con đường ra đồng của xóm 3 do mương không được thiết kế phù hợp nên đã bị xe cộ qua lại làm hư hỏng. Một cán bộ ở xã Nghĩa Hòa cho biết, diện tích lúa ở đây chỉ có 9 ha và hệ thống kênh này không thể tự chảy xuống ruộng được. Muốn tưới được phải bơm tiếp một lần nữa từ kênh dẫn lên hồ chứa đã có sẵn nhưng hệ thống bơm này chưa có. Khi thực hiện dự án này, đơn vị thực hiện cũng không tham khảo ý kiến người dân địa phương.

Ông Lê Gia Quang - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, cho biết: Công trình này xây xong rồi để đó, chưa vận hành lần nào. BQL dự án Bản Mồng đã đề nghị xã nhận bàn giao nhưng xã chưa dám nhận. Theo mục tiêu tưới của dự án này, trạm bơm sẽ tưới cho hơn 70ha lúa nhưng thực tế hệ thống kênh chỉ tưới được khoảng 7ha.

Ông Phạm Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa cũng cho biết thêm, chủ đầu tư đã bàn giao nhưng thị xã chưa nhận vì thực tế diện tích tưới nhỏ trong khi công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị phức tạp.

Tuyến kênh chạy qua đồng màu của xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa cũng bị bồi lấp do không sử dụng
Tuyến kênh chạy qua đồng màu của xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa cũng bị bồi lấp do không sử dụng
 

Trạm bơm Hòn Rô ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ được xây dựng với mục tiêu cấp nước cho hơn 430ha lúa và hoa màu và tạo nguồn nước sinh hoạt trong vùng hưởng lợi. Trạm bơm này có 2 máy bơm chìm với công suất 160KW; khu nhà quản lý và vận hành; hệ thống đường dây và trạm biến áp; tuyến đường ống chính dài trên 3km; 3 tuyến kênh chính dài gần 5,5km; 9 tuyến kênh cấp 1 dài gần 5km; 0,5km kênh cấp 2 và nhiều công trình phụ trợ trên kênh... với kinh phí đầu tư trên 62 tỷ đồng. Công trình được bàn giao năm 2016.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình khẳng định: Để đánh giá hiệu quả thì chưa dám vì chưa vận hành đợt nào. Xã có 10 hồ đập nên chủ yếu tưới tự chảy cho diện tích lúa cả xã là 265ha. “Đất màu chưa phải tưới vì phải đầu tư công nghệ tưới phun hoặc tưới nhỏ giọt chi phí rất lớn. Nhiều người nói trông cho hạn hán để sử dụng một lần xem hiệu quả thế nào” - Ông Thắng nói.

Trạm bơm Cây Khế ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ cũng mới được đầu tư hơn 45 tỉ đồng. Theo thiết kế, trạm bơm này có 3 máy bơm chìm, 4,1km kênh chính, 5,3km kênh cấp 1... sẽ tưới cho 320ha lúa, 114ha màu. Năm 2016, trạm đã bàn giao cho Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ khai thác.

Theo ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hợp, xã có một số hồ đập và trạm bơm nhỏ đang phục vụ tưới cho phần lớn diện tích gồm 120ha lúa và gần 150ha màu. Diện tích xã hợp đồng với Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ từ trạm bơm Cây Khế tưới chỉ hơn 20ha lúa. Mục tiêu xây dựng để tưới toàn bộ đất nông nghiệp của xã nhưng các đồng xã Nghĩa Hợp không bằng phẳng nên chưa thể tưới vì tưới nơi cao thì nơi thấp sẽ bị ngập. Trong khi đó, phần cuối của kênh bị thấp xuống nên khó sử dụng.

Trạm bơm Đồng Dong ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ bị bùn phủ sau những đợt lũ vừa qua
Trạm bơm Đồng Dong ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ bị bùn phủ sau những đợt lũ vừa qua
 

Ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, trạm bơm Đồng Dong 48 tỷ đồng thiết kế tưới cho 367ha lúa và hoa màu, hoàn thành năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao sử dụng. Ông Lê Đăng Ý, Bí thư xóm Đình, xã Nghĩa Dũng bức xúc: Trạm bơm chưa bàn giao, khi cần nước tưới, các xóm phải góp tiền để trả tiền bồi dưỡng cho người trực mỗi lần bơm 1 triệu đồng.

Theo người dân ở xóm Đình, việc thiết kế một tuyến kênh máng dài khoảng 1km ra ngoài bãi sông là không cần thiết, vì đất bãi chủ yếu trồng ngô, nhu cầu tưới không có. Mặt khác, hệ thống kênh này chỉ tưới được một diện tích nhỏ ở hai bên mương, muốn tưới cả bãi phải thiết kế thêm nhiều tuyến mương khác.

Tuy mới vận hành thử nhưng lãnh đạo xã Nghĩa Bình cũng “toát mồ hôi” vì chi phí lớn. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình, cho biết, nếu cần sử dụng, khi hoạt động, trạm bơm Hòn Rô sẽ ngốn nhiều chi phí. Hiện nay, xã nguồn thu ít nhưng đang hợp đồng 2 người vận hành trạm bơm dù chưa có nhu cầu tưới. Hai người này có nhiệm vụ mỗi tháng khởi động 1 lần, mỗi lần khoảng 15 phút để tránh hư hỏng máy, mùa mưa sợ bị bồi lấp nên khoảng 15 ngày phải khởi động 1 lần. “Năm ngoái chỉ mới khởi động và chạy để khỏi hỏng máy đã mất mấy triệu đồng tiền điện” - Ông Thắng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các máy bơm thuộc hợp phần thủy lợi Bản Mồng đều được thiết kế đặt chìm ở dưới nước sông nên xảy ra hiện tượng bùn vùi lấp. Một cán bộ của ngành thủy lợi Nghệ An khẳng định, thiết kế đặt chìm là không phù hợp, nước sông nhiều bùn, rác dễ làm hỏng máy bơm. Dự án này nên lắp máy bơm đứng để dễ vận hành, sửa chữa, phụ tùng thay thế cũng rẻ tiền. Ngoài ra, nếu nước sông cạn máy có thể bị “treo” không bơm được.

Ông Võ Văn Tuấn, GĐ Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ (đang quản lý và vận hành 5 trạm bơm của thủy lợi Bản Mồng) cho biết, máy bơm chìm không phù hợp với chất lượng nước tưới ở các sông tại Nghệ An vì mùa cạn, nước rất nhiều cát sạn. Do mực nước sông tụt xuống nên trạm bơm Vực Đạo ở xã Nghĩa Đồng, bị “treo” từ năm 2015 đến nay, chỉ bơm được 30 đến 50% công suất do không đủ nước.

Việc bảo vệ máy cũng phức tạp hơn loại máy đứng. Chưa kể, loại máy này có cấu tạo phức tạp, phụ tùng thay thế hiếm và rất đắt tiền. “Vừa rồi, máy bị hỏng doăng, chúng tôi phải mời người ở tận Hà Nội về, nhưng cũng phải đợi mấy ngày sau họ mới về. Phụ tùng thay thế và chi phí rất đắt, gấp nhiều lần so với loại máy sử dụng lâu nay” - Ông Tuấn cho biết.

Về mục tiêu của hệ thống trạm bơm thuộc dự án thủy lợi Bản Mồng, ông Đinh Trí Lam, Phó trưởng Ban quản lý Dự án Bản Mồng cho biết: Hợp phần này có 23 trạm bơm, đã xây dựng xong 8 trạm. Mục tiêu của hệ thống trạm bơm này nhằm giải quyết việc sẽ thiếu nguồn nước ở vùng hạ du sau khi ngăn đập trên sông Hiếu để làm hồ thủy lợi Bản Mồng. Các trạm bơm này tạo nguồn nước về đến các kênh chính, phục vụ tưới cho lúa, hoa màu, sinh hoạt, công nghiệp, còn việc tưới tận chân ruộng là của địa phương, hoặc sau này được bố trí vốn sẽ đầu tư tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị xã Thái Hòa (Nghệ An): Nhiều trạm bơm thủy lợi không phát huy hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO