Bất động sản

Thị trường nhà ở vẫn thiếu hụt nguồn cung

Thục Vy 24/05/2023 - 16:16

(TN&MT) - Theo ghi nhận của các công ty nghiên cứu thị trường, quý 1/2203 vừa qua, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM và các vùng phụ cận vẫn rơi vào trạng thái trầm lắng, thanh khoản ở mức thấp, nguồn cung mới và sức cầu toàn thị trường sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.

nguon-cung.png
Những khó khăn trong việc hoàn thiện pháp lý đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển các dự án BĐS của các chủ đầu tư

Báo cáo thị trường BĐS quý I/2023 của DKRA Group cho thấy, thị trường căn hộ ghi nhận 9 dự án được mở bán trong quý 1 này với khoảng 1.378 căn, tập trung chủ yếu tại TP.HCM và Bình Dương. Nguồn cung mới giảm 59% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng tiêu thụ mới đạt khoảng 864 căn, tương đương 63% lượng mở bán mới và giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, căn hộ hạng B trở thành phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường khi chiếm 56,2% tổng nguồn cung, tập trung chủ yếu tại khu Bắc TP.HCM.

Đối với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ghi nhận sụt giảm nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ, mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động. Nhiều chủ đầu tư liên tục hoãn thời gian triển khai bán hàng để điều chỉnh lại giá bán và đưa ra chính sách bán hàng phù hợp. Tại phân khúc nghỉ dưỡng này, nguồn cung mới đón nhận 42 căn đến từ 2 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo. Sức cầu thị trường ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tại phân khúc nhà phố, biệt thự tiếp tục xu hướng đi ngang, dao động khoảng 350-400 căn, tập trung chủ yếu ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. 

Theo Cushman & Wakefield, việc áp dụng khung pháp lý mới và tình hình phát hành trái phiếu vẫn có tác động đến thị trường BĐS. Lực cầu đang cho thấy sự chần chừ của bên mua trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Đối tượng mua nhà ở giai đoạn này chủ yếu là người mua để ở thực và đầu tư dài hạn chứ không còn là nhà đầu tư ngắn hạn dưới sự hỗ trợ của đòn bẩy tài chính như trước đây.

Hiện tại, giá căn hộ sơ cấp trung bình quý 1/2023 đã giảm nhẹ 2,9% so với quý 4/2022, đạt khoảng 75 triệu đồng/m2. Cushman & Wakefield cho rằng, sự sụt giảm giá bán này chủ yếu do các đợt mở bán mới đến từ các dự án từ trung cấp đến cao cấp, trong khi rổ hàng của quý 4/2022 chứng kiến nhiều đợt mở bán hơn từ các dự án cao cấp và siêu sang. 

"Tình hình kinh tế ảm đạm và cũng như những khó khăn trong việc hoàn thiện pháp lý đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển dự án của các chủ đầu tư. Xu hướng này cũng ảnh hưởng đến nguồn cung trong tương lai vì các chủ đầu tư có khả năng trì hoãn đợt tung hàng mới, với kỳ vọng thị trường phục hồi trong thời gian tới”, Cushman & Wakefield phân tích.

Nhận định về nguồn cung nhà ở, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thanh khoản thị trường BĐS về đáy xuyên suốt những tháng qua khiến nhiều chủ đầu tư liên tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đợi tín hiệu từ thị trường BĐS, nhiều nhà đầu tư cá nhân chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc, còn rất nhiều dự án thì phải “án binh bất động” chờ tháo gỡ… khiến nguồn cung mới thiếu hụt. Dự báo, trong quý 2/2023 này, sẽ có nhiều hơn những văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho những dự án đang đợi tham gia vào thị trường, cung cấp vào thị trường nguồn cung mới.

DKRA Group dự báo, trong quý 2/2023, thị trường BĐS sẽ có sự hồi phục đáng kể nhưng sẽ khó đột biến trong ngắn hạn. Trong đó, nguồn cung phân khúc đất nền sẽ tăng nhẹ, dao động khoảng 450-600 nền, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể tăng gấp đôi, đạt mức 2.000-2.500 căn. Đồng thời, những thông tin về chính sách được tháo gỡ, hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ làm tăng sức cầu chung của thị trường BĐS nhưng sẽ khó có đột biến trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường nhà ở vẫn thiếu hụt nguồn cung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO