Thị trường hàng hóa phục hồi tích cực, đảm bảo nguồn cung ổn định

Đức Tâm| 04/10/2022 06:16

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 9, thị trường hàng hóa phục hồi tích cực, các hoạt trao đổi mua bán trên thị trường khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ Quốc Khánh, Rằm Trung thu, chuẩn bị cho khai giảng năm học mới... Nguồn cung các mặt hàng tương đối ổn định, giá mặt hàng thực phẩm có xu hướng giảm nhẹ; giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng có xu hướng giảm theo giá thế giới; các nhóm hàng khác tương đối ổn định.

thit-ga.jpg
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart

Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 9 ước đạt 493.091,7 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng 8/2022 và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước (tháng 8 năm 2021 giảm 16% do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Trong đó, nhóm doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 1,9%, tập trung chủ yếu vào nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện đi lại (tăng 2,2-2,6%); nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống tăng nhẹ (1,3%), nhóm du lịch lữ hành giảm 0,3% do nhu cầu giảm khi hết thời gian nghỉ hè và thời tiết mưa bão tại nhiều nơi; riêng nhóm các dịch vụ khác có mức tăng khá 12,6%.

Trong 9 tháng năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. . Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19.

Riêng mặt hàng xăng dầu, để bình ổn thị trường, hạn chế tác động khi giá xăng dầu biến động tăng giảm với biên độ lớn, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm nguồn cung cũng như phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.

plx-2-.jpeg
Ổn định nguồn cung giá xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm

Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Đối với mặt hàng xăng dầu, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường hàng hóa phục hồi tích cực, đảm bảo nguồn cung ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO