Thị trường điện Việt Nam: Hấp dẫn các nhà đầu tư năng lượng tái tạo

Khánh Ly| 18/05/2021 10:59

(TN&MT) - Theo báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), Việt Nam hiện vẫn là thị trường năng lượng tăng trưởng hấp dẫn nhất Đông Nam Á, với dự kiến cần ít nhất 68GW công suất mới để bổ sung vào hệ thống từ nay cho đến năm 2030.

Sức hút các nhà đầu tư đến từ 3 yếu tố: Sự dịch chuyển từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí; vị thế năng lượng tái tạo ngày càng tăng và sự thay đổi lớn trong các chuẩn mực cấp vốn cho các dự án điện. Những điều này đang được tập trung bàn thảo để đưa vào Quy hoạch điện VIII.

Về Chương trình phát triển nguồn điện, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2GW (trong đó nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).

Năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW. Trong đó nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%.

Thúc đẩy phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo. Ảnh: MH

Về Chương trình phát triển lưới điện, Quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP.HCM và Đồng bằng sông Hồng.

Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 cần xây dựng thêm tổng cộng khoảng 86GVA công suất trạm 500kV và gần 13.000 km đường dây, giai đoạn 2031 - 2045 cần xây dựng thêm khoảng 103GVA công suất trạm 500kV và gần 6.000 km đường dây. Lưới điện 220kV tương ứng cần xây dựng 95GVA và gần 21.000 km đường dây, 108GVA và hơn 4.000 km đường dây.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Quy hoạch đã chỉ ra, Đề án không đưa ra được đánh giá về nguồn năng lượng sơ cấp, tỷ trọng nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và nhập khẩu cho sản xuất điện. Dự thảo Quy hoạch đưa vào nguồn năng lượng tái tạo quá lớn nên khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải tương ứng cũng trở nên rất lớn do được thiết kế đồng bộ với nguồn điện tiềm năng. Mà điều này có thể dẫn tới tình huống, khi các dự án nguồn “tiềm năng” không được triển khai nhưng các công trình lưới điện liên quan đã được đầu tư và ngược lại.

Theo IEEFA, để giảm áp lực, trong ngắn hạn, VIệt Nam cần ưu tiên các khoản đầu tư then chốt vào hệ thống truyền tải điện nhằm cải thiện hiệu quả vận hành của các nguồn điện sẵn có và gia tăng sản lượng phát lên lưới của các nguồn năng lượng tái tạo có vị trí chiến lược. Nỗ lực này sẽ giúp ổn định lưới điện và tạo điều kiện cho các điều khoản hợp đồng có lợi trong tương lai. Để làm được như vậy, đòi hỏi Bộ Công Thương phải có thêm nhiều chiến lược tìm tài trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương hoặc có các chiến lược tăng cường tín dụng hiệu quả để điều tiết và thích nghi với sự đa dạng của các nguồn năng lượng và lưu trữ năng lượng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm triển khai đấu thầu cạnh tranh cho các nhà máy điện tái tạo kết hợp với pin lưu trữ để thúc đẩy cạnh tranh và giảm rủi ro cắt giảm công suất. Tác giả báo cáo Melissa Brown nhận định, nhờ quá trình hình thành và tăng trưởng nhanh chóng của điện tái tạo hai năm vừa qua, Việt Nam giờ đây đang ở vị thế thuận lợi khi có thể tiếp cận được với mức giá chào bán điện rẻ hơn từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường, với điều kiện Chính phủ khuyến khích đầu tư vào các giải pháp lưu trữ năng lượng nhằm giúp giảm thiểu rủi ro cắt giảm công suất. “Nếu làm được điều này, Bộ Công Thương có thể đảm bảo nền móng vững chắc hơn cho QHĐ8, cũng như giúp củng cố khả năng phía Chính phủ đạt được những điều khoản có lợi hơn khi đàm phán hợp đồng dự án điện trong tương lai”.

IEEFA cũng đưa ra khuyến nghị, tất cả các bên tham gia thị trường điện tại Việt Nam đều phải chấp nhận rủi ro. Các nhà đầu tư ưu tiên tăng trưởng đang nhìn thấy những cơ hội kinh doanh chỉ có ở Việt Nam mà không thể tìm thấy ở thị trường nào khác, đặc biệt là trong lĩnh vực LNG và năng lượng tái tạo.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII dự kiến trình Chính phủ thông qua trong tháng 6 tới đây thay vì tháng 3 do những lo ngại về việc đánh giá chưa đúng mức về hiện trạng năng lực hệ thống điện quốc gia. Theo IEEFA, đây là khoảng thời gian để Bộ Công Thương rà soát và cải thiện cấu trúc thị trường điện Việt Nam trong tương lai. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường điện Việt Nam: Hấp dẫn các nhà đầu tư năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO