Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Chờ cơ hội?

Thùy Linh| 03/08/2021 10:58

(TN&MT) - Làn sóng bệnh dịch mới đã tác động mạnh mẽ đến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vốn mới vừa tìm lại tín hiệu phục hồi. Trong đó, 80% sản phẩm không có giao dịch, lượng tồn kho tiếp tục tăng cao gần 4.000 căn.

Tồn kho tăng cao

Báo cáo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Công ty DKRA Việt Nam cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến đà hồi phục của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Condotel và biệt thự biển đều đang ghi nhận lượng tồn kho lớn, nhiều dự án đóng giỏ hàng không phát sinh giao dịch.

Thị trường có 241 căn mở bán đến từ 10 dự án, giảm 69% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ xuống thấp, chỉ đạt 25% (khoảng 60 căn), bằng 30,6% so với quý I. Đơn vị này nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nguy cơ tồn kho trong mùa dịch khá lớn khi từ giữa cuối quý II trở đi, trùng với thời điểm đợt dịch lần thứ tư bùng phát, không phát sinh giao dịch mới. 

Chị Hoàng Hải Khanh, chủ nhân căn hộ condotel tại TP. Nha Trang cho biết, năm 2018, gia đình chị đã bỏ ra 4,2 tỷ đồng để đầu tư 2 căn hộ condotel. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, 2 năm qua căn hộ đã phải bỏ trống vì không có khách thuê.

“Tôi đang vay ngân hàng 2 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. Gia đình không có nguồn thu để trả lãi vay ngân hàng do đó phải bán 2 căn hộ này đi. Tuy nhiên, đến nay dù cắt lỗ vẫn không có khách hỏi mua” - chị Khanh cho biết.

Trước tình cảnh này, nhiều chủ đầu tư dự án condotel đã phải chấp nhận hoãn kế hoạch bung hàng ra thị trường. Đại diện chủ đầu tư một dự án condotel tại TP. Nha Trang cho biết, quý II này, doanh nghiệp dự kiến sẽ đưa ra thị trường 1.000 căn hộ condotel nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp phải hủy bán hàng.

Có thể thấy, trải qua cả năm 2020, do vướng pháp lý và là dịch Covid-19, lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng được chào bán ra thị trường rất ít. Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2020 chỉ có 79 căn biệt thự nghỉ dưỡng được chấp thuận nghiệm thu. Phải đến quý I/2021, thị trường này mới bật tăng trở lại với 884 condotel được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nguồn cung tăng nhưng thị trường lại gặp khó về đầu ra bởi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2021 và kéo dài cho đến nay.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nguy cơ tồn kho trong mùa dịch khá lớn. Ảnh: MH

Doanh nghiệp chờ cơ hội mới?

Mặc dù chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin vào bất động sản nghỉ dưỡng, bởi họ kỳ vọng phân khúc này sẽ bật mạnh trở lại khi ngành du lịch phục hồi.

Theo ghi nhận của PV, vừa qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã đón nhận thêm các dự án khởi công như Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay và Crystal Holidays Marina Phú Yên; Dự án Hoian Dor có quy mô 24,5 ha tại Hội An (Quảng Nam)…

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: “Chúng tôi dự báo sau khi thông qua hộ chiếu vắc-xin, ngành du lịch sẽ bùng nổ trở lại. Các tỉnh cần nghiên cứu để áp dụng thí điểm mở cửa du lịch ở một số khu vực như tỉnh Khánh Hòa vừa đề xuất áp dụng hộ chiếu vắc-xin đối với khu vực Cam Ranh để kích cầu du lịch quốc tế. Nếu làm được điều này, tôi tin đây sẽ là cơ hội để thu hút lượng lớn khách du lịch cũng như các nhà đầu tư”.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trước khi có làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 ở Việt Nam, nhiều resort gần như không còn phòng trống trong dịp lễ. Tuy nhiên, sự tái bùng phát dịch lần thứ tư ngay khi khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã giáng đòn mạnh vào ngành nghỉ dưỡng vốn đã gặp nhiều khó khăn suốt năm 2020, khiến đà hồi phục của thị trường trong mùa cao điểm du lịch cuối tháng 4 đầu tháng 5 bị chặn đứng.

“Ðợt dịch Covid-19 lần thứ tư một lần nữa gây tác động nặng nề cho ngành dịch vụ lưu trú, một số khách sạn thậm chí phải tạm ngưng phục vụ một số tiện ích. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nhận được nhiều yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú. Lúc này chỉ còn trông đợi vào những nỗ lực của Chính phủ trong việc khoanh vùng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh để kích hoạt lại ngành kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng trong mùa cao điểm tới” - Ông Mauro Gasparotti phân tích.

“Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó và phòng chống đại dịch. Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải quen với trạng thái mới. Vì vậy, họ đã có nhiều phương án chủ động hơn trong kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Thời điểm này, lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức rất thấp, các doanh nghiệp đều kỳ vọng, dòng tiền từ nước ngoài và trong nước sẽ đổ vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Nhiều dự án sẽ dự kiến được khởi công nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà

Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Chờ cơ hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO