Thi hành Luật Đất đai 2013: Cần phân cấp nhiều hơn cho địa phương

Tuyết Chinh (thực hiện)| 16/10/2020 15:35

(TN&MT) - “Luật Đất đai không nên quy định quá nhiều nội dung, mạnh dạn phân cấp nhiều hơn nữa cho địa phương để địa phương chủ động thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn”

Đó là một trong những nội dung mà ông Phan Tuệ Minh, Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc nhấn mạnh khi chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường xung quanh vấn đề triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn.

Ông Phan Tuệ Minh, Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc

PV: Thưa ông, Luật Đất đai năm 2013 giao thẩm quyền cho địa phương tương đối rộng. Vậy Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các văn bản ra sao để công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Ông Phan Tuệ Minh: Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014. Theo Điều 22 của Luật Đất đai 2013, công tác ban hành văn bản và tổ chức ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những chức năng quản lý nhà nước quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường. Luật cũng phân cấp cho địa phương nhiều thẩm quyền.

Đối với Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã ban hành tất cả các văn bản pháp luật theo phân cấp của Luật Đất đai 2013 giao quyền cho địa phương. Ví dụ như công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất; công tác thu hồi, giao đất cũng được phân cấp quyền cho địa phương theo Điều 66 của Luật Đất đai 2013; công tác định giá đất cũng được phân cấp cho cấp huyện để công tác xác định giá bồi thường sát với thực tiễn; công tác xác định hạn mức đất để công nhận quyền sử dụng đất được ban hành quy định theo đúng thẩm quyền… Quá trình thực hiện các văn bản, địa phương đã chủ động thực hiện các nội dung sát thực, phù hợp với điều kiện thực tế.

Phóng viên: Vậy sau 7 năm thi hành, ông đánh giá như thế nào về Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật?

Ông Phan Tuệ Minh: Luật Đất đai 2013 đã phát huy những điểm tích cực, khắc phục một số điểm yếu của Luật Đất đai 2003. Nội dung cũng cụ thể hơn, dễ thực hiện hơn. Do đó, đã hỗ trợ đắc lực cho nhà nước trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Điều 22 của Luật Đất đai 2013 đã nêu rõ 15 nội dung trong quản lý nhà nước về đất đai. Hay Điều 7, Điều 8 của Luật Đất đai 2013, những đất nào đã giao cho người sử dụng, người đó là đại diện quyền và nghĩa vụ đối với pháp luật và nhà nước; đất nào chưa giao, Chủ tịch UBND xã/phường là người đại diện trước pháp luật là rất kín, đầy đủ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013 cũng thể hiện nhiều điểm vướng mắc. Chẳng hạn như, đối tượng thu hồi đất theo Điều 62 của Luật Đất đai 2013 bị hạn chế hơn. Một số dự án đầu tư của nước ngoài muốn vào đầu tư ở Việt Nam, trước đây Luật Đất đai 2003 cũng thuộc đối tượng thu hồi đất; nhưng theo Điều 62 của Luật Đất đai 2013 lại không thuộc đối tượng đó, nên nhiều dự án rất khó thực hiện.

Theo Điều 62 và Điều 58 của Luật Đất đai 2013, đối với những dự án công trình thuộc diện thu hồi đất đã có danh mục trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhưng khi thực hiện vẫn phải trình HĐND tỉnh để thông qua. Hoặc những dự án chuyển mục đích đất lúa trên 10ha hay trên 20ha trở lên đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mặc dù đã có trong kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất rồi, dẫn đến quá trình thực hiện có những vướng mắc.

Liên quan đến công tác định giá đất, xác định giá đất cụ thể theo Điều 112, 117 của Luật Đất đai, quá trình xác định giá đất cụ thể hiện nay cũng rất khó khăn. Bởi vì giá đất biến động theo giá thị trường, ở mỗi thời điểm là khác nhau; thế nhưng quá trình xác định giá đất hiện nay có 5 phương pháp; quá trình xác định giá đất cũng rất khó khăn để đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân. Chưa kể, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc và để được người dân đồng thuận theo giá bồi thường như quy định của nhà nước rất khó.

Bên cạnh đó, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc về cả lịch sử và cơ chế pháp luật. Có rất nhiều trường hợp trước đây cấp giấy chứng nhận theo hạn mức, theo Luật Đất đai năm 1993, 1998; đối với vùng đồng bằng không quá 200m2, vùng trung du không quá 300m2, vùng núi không quá 400m2. Theo Điều 185 của Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181 quy định không quá 5 lần. Đối với Vĩnh Phúc ban hành quy định về hạn mức đó không quá 3 lần. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp được cấp theo hạn mức trước đây là không lá 200m2 ,300m2, 400m2; nay muốn cấp đổi, xác định lại hạn mức thì do biến động, chuyển đổi, tặng cho, thực hiện quyền của người sử dụng đất nên việc xác định lại hạn mức này gặp rất nhiều khó khăn, hầu như chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Luật Đất đai 2013 có quy định về đăng ký kê khai bắt buộc tức là những biến động về mục đích sử dụng đất, chủ sử dụng đất, hình thái sử dụng đất trong thời hạn 30 ngày phải kê khai đăng ký. Song quá trình kê khai, đăng ký ý thức người dân còn hạn chế dẫn đến đăng ký biến động, hồ sơ cơ sở dữ liệu địa chính gặp khó khăn.

Một khó khăn nữa là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính về đất đai. Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính về đất đai ở 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch. Thế nhưng, quá trình triển khai, vận hành khó khăn do thực tiễn phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính chưa được thống nhất, vận hành phần mềm còn tắc. Chúng tôi mong muốn xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai gồm 4 hợp phần: CSDL về quy hoạch, CSDL về kiểm kê, thống kê; CSDL về gía đất và CSDL địa chính; thế nhưng hiện nay cũng chưa có mô hình chuẩn nào để từng bước triển khai xây dựng cho hiệu quả...

Phóng viên: Với những khó khăn, vướng mắc như vậy, Sở TN&MT có những đề xuất gì đối với chính sách đất đai hiện nay, thưa ông?

Ông Phan Tuệ Minh: Chúng tôi mong muốn Luật Đất đai 2013 sớm được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hơn, phù hợp với thực tiễn hơn. Chúng ta không nên quy định quá nhiều nội dung, mạnh dạn phân cấp nhiều hơn nữa cho địa phương để địa phương chủ động thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương họ.

Những nội dung của Luật Đất đai 2013 vẫn còn sa đà vào tính chi tiết, nên trong quá trình thực hiện còn có sự chồng chéo; quá trình thực hiện cũng chưa đảm bảo được tính đơn giản, thông suốt. Do vậy, cần đơn giản bớt, lồng ghép lại để tổ chức thực hiện. Còn những nội dung vướng mắc, mạnh dạn giao cho địa phương, vấn đề nào giao cho địa phương đó chủ động tổ chức thực hiện.

Mặt khác, làm sao thống nhất, đồng bộ, tránh xung đột giữa các Luật, Nghị định, Thông tư, giữa Luật này với Luật khác, đảm bảo sự thông suốt. Ví dụ như trong Luật Đất đai, nội dung quy hoạch, kế hoạch đã quy định rồi thì những vấn đề như: điều kiện để giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử đụng đất cũng phải ghép vào để đảm bảo tính thông suốt.

Vĩnh Phúc siết chặt quản lý đất đai. Ảnh minh hoạ

Phóng viên: Thời gian qua, nguồn thu từ đất là nguồn lực lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước, tái đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ông đánh giá như thế nào về nguồn lực này đối với Vĩnh Phúc?

Ông Phan Tuệ Minh: Tài chính về đất đai được xác định từ Luật Đất đai 1993, có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Luật Đất đai 2013 đã xác định rõ hơn, cụ thể hơn tài chính về đất đai trên cơ sở xác định gía thị trường. Hiện nay, việc xác định giá đất, chuyển thông tin nghĩa vụ tài chính về đất đai ở Sở TN&MT Vĩnh Phúc được thực hiện sát và tương đối tốt. Giá được xác định cơ bản trên cơ sở đối với những dự án có giá trị trên 20 tỷ đều phải thuê tư vấn để xác định giá đất cụ thể.

Nhìn chung, Luật Đất đai 2013 đã tính toán nghĩa vụ tài chính, xác định giá đất cụ thể sát giá thị trường, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và nhà nước vẫn cần có định lượng rõ. Theo Điều 112, Điều 117 của Luật Đất đai 2013, đặc biệt là Nghị định 44 năm 2014, trong quá trình thực hiện do có tính chất định tính, chúng ta phải xác định bằng phương pháp chuyên gia, tư vấn, hội đồng… nên rất khó khăn.

Nguồn thu từ đất những năm vừa qua rất lớn, và theo Chỉ thị 1474 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhà nước phải đầu tư trở lại ít nhất 10% nguồn thu từ đất cho tăng cường công tác quản lý tài nguyên môi trường nói chung và đất đai nói riêng; song hiện nay, ở Vĩnh Phúc nguồn thu này đang được gộp vào nguồn đầu tư công, sau đó lại chi lại theo các dự án đầu tư công. Cho nên, thực ra việc đầu tư trở lại cho các hoạt động quản lý đất đai, quản lý tài nguyên môi trường chưa được đảm bảo như quy định.

Phóng viên: Trong thời gian tới, Sở có những chỉ đạo gì nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, thưa ông?

Ông Phan Tuệ Minh: Quản lý đất đai trên địa bàn Vĩnh Phúc được bám sát theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Theo quy định trong Điều 22 của Luật Đất đai 2013 nêu rõ 15 chức năng quản lý của ngành; các nội dung đó được lồng ghép trong các hoạt động chung của ngành TNMT. Song, tôi nhấn mạnh vào một số nội dung sau:

Trước hết là công tác rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của nhà nước phải được làm đủ, làm đúng, sát với điều kiện thực tiễn của địa phương. Ngoài những văn bản mang tính chất quy phạm pháp luật của Nhà nước, có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra; đồng thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai quy định của pháp luật. Quan điểm của chúng tôi là có thể có vướng mắc, chồng chéo nhưng phải nghiên cứu, xâu chuỗi để đưa ra cách tiếp cận đúng nhất, giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra.

Trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ở các kỳ quy hoạch trước đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội; song chất lượng vẫn còn nhiều vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Trong khi, quy hoạch chỉ được điều chỉnh trong một số trường hợp như: điều chỉnh phát triển kinh tế - xã hội; do thiên tai… Lần này, chúng tôi muốn làm thật tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của giai đoạn tới 2021-2030, tầm nhìn 2050, đảm bảo tính thống nhất, khoa học, hợp lý quy hoạch ngang, quy hoạch dọc để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo chiến lược phát triển chung của tỉnh, ngành, từng cấp và phục vụ cho công tác quản lý bền vững nhiều năm sau.

Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc được coi là điểm nghẽn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế, đơn giá về bồi thường, giải phóng mặt bằng cho phù hợp với thực tiễn, được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Trong đó, tính toán thoả đáng các vấn đề về tái định cư, giá bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề… Những gì thuộc diện thu hồi của nhà nước, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đầy đủ các chế độ, tốt nhất cho người dân. Song song đó, người dân cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định của pháp luật đảm bảo thời gian, trình tự thủ tục.

Trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng ta đã thực hiện từ Luật Đất đai 1987, quá trình thực hiện trước đây có rất nhiều vấn đề, biến động đất đai không chỉnh lý kịp thời; trước đây sử dụng nhiều bản đồ, sơ đồ khác nhau, nhưng hiện nay đã đo đạc bản đồ VN2000 cơ bản xong. Tới đây, Sở sẽ tập trung nhân lực, vật lực, cơ sở dữ liệu để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sao cho đúng vị trí, mục đích sử dụng đất, chủ sử dụng đất.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Trên địa bàn tỉnh, Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị 32 năm 2019; UBND tỉnh cũng ban hành các kế hoạch triển khai; tuy nhiên từ cuối năm 2018 đến nay tiến độ vẫn rất chậm. Bởi vì để xử lý được một cái tồn tại, vi phạm về đất đai phải có sự đầu tư nhất định về con người, cơ sở vật chất, kinh phí để hoàn thiện hồ sơ xử lý.

Đặc biệt, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Bộ TN&MT có một khung cơ sở dữ liệu đất đai chung cho cả 4 hợp phần dữ liệu hoặc cơ sở dữ liệu về địa chính để có một quy trình, hệ thống phần mềm, hệ thống hạ tầng làm tốt công tác xây dựng CSDL đất đai. Chúng ta muốn tiến tới công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công nghệ 4.0 bắt buộc phải có điều kiện trên để đảm bảo hệ thống thông tin về đất đai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi hành Luật Đất đai 2013: Cần phân cấp nhiều hơn cho địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO