Thí điểm một số cơ chế đặc thù xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng ĐBSCL

Thanh Tùng| 04/01/2022 17:08

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 4/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: quochoi.vn

Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Cần Thơ nhanh, bền vững

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tóm tắt Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Theo đó, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp, tính hệ thống của pháp luật; phù hợp phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 59-NQ/TW; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã k‎ý kết; chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Cần Thơ và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có quy định hoặc khác với quy định của pháp luật hiện hành; phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Thành phố và bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thành phố, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của Thành phố.

Theo Nghị quyết này, Thành phố Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu. Đáng chú ý, Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Về phạm vi chính sách trong Dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Phú Cường cho biết, các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 59, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; đặc biệt, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có những chính sách đặc thù khác với nhiều địa phương khác; tương thích với đặc điểm riêng, tạo cơ sở phát huy được thế mạnh của vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, lợi thế con người.

Tuy nhiên, để bảo đảm phát triển bền vững, cần khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên trên nguyên tắc bảo vệ môi trường sinh thái; đề cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước; thu hút thực chất và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế đặc thù.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến nhất trí về việc cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, vì sẽ góp phần tạo dư địa để thành phố Cần Thơ có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc vì thực tế thời gian qua chưa địa phương nào vay được tối đa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, việc quy định nội dung này chỉ mang tính hình thức.

Dự thảo Nghị quyết quy định hằng năm ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia và một số khoản thu NSTW hưởng 100% so với dự toán nhưng không vượt quá tổng số tăng thu NSTW trên địa bàn so với thu năm trước và NSTW không hụt thu. Đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này và cho rằng, quy định này không mới; hiện thành phố Cần Thơ đang được hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 103/2018/NĐ-CP và tương tự như cơ chế Quốc hội vừa cho phép thành phố Hải Phòng được hưởng.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc vì trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn rất phức tạp như hiện nay, NSTW phát sinh rất nhiều khoản chi, trong trường hợp NSTW tăng thu so với dự toán, cần bố trí chi cho các nhiệm vụ cấp bách khác. Có ý kiến cho rằng, đây không phải chính sách mới, do đó đề nghị không quy định tại Nghị quyết này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, dự thảo Nghị quyết quy định HĐND thành phố Cần Thơ được ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật. Đa số ý kiến nhất trí với đề xuất trên vì chính sách này tương tự như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đang được hưởng và phù hợp với thực tế của Cần Thơ. Tuy nhiên, đề nghị trong triển khai cần bảo đảm nguyên tắc: có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm công khai, minh bạch.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh, việc ban hành thêm hoặc điều chỉnh mức phí, lệ phí có thể ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và kích cầu phục hồi kinh tế.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha

Về quản lý đất đai, Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép HĐND thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha.

Về nội dung này, ông Nguyễn Phú Cường cho biết, quy định này tương tự như một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép. Do vậy, nhất trí như Dự thảo. Tuy nhiên, với đặc thù là địa phương nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, do vậy, việc chuyển đổi phải tuân thủ các điều kiện: Lấy ý kiến công khai và được sự đồng thuận của các chủ thể chịu sự tác động của việc chuyển đổi; không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; Không ảnh hưởng đến an ninh lương thực; Phải mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; Việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp và người được phân cấp để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung trên vì Cần Thơ có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện nay, việc khiếu kiện tại một số địa phương chủ yếu liên quan đến đất đai, nhất là đất trồng lúa; việc chuyển đổi có thể ảnh hưởng đến người nông dân và trật tự xã hội.

Đối với thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, dự thảo Nghị quyết quy định: “Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương..., HĐND Thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố; ... thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản… Việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm quy định tại Điều này chỉ được thực hiện khi Thành phố tự cân đối được ngân sách”.

Đa số ý kiến nhất trí với quy định trên vì cho rằng nội dung này phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách tiền lương, theo đó Cần Thơ chỉ được phép cải cách tiền lương khi tự cân đối được ngân sách; Chính sách này tương tự như đối với thành phố Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Có ý kiến cho rằng, mức sống, giá cả tại Cần Thơ thấp hơn so với thành phố Hồ Chí Minh, nguồn thu hạn chế. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, Quốc hội đã có Nghị quyết lùi thời gian cải cách tiền lương nên việc thực hiện chính sách này cần cân nhắc thận trọng, lựa chọn thời điểm phù hợp.

Cần thiết thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ

Về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, Chính phủ đề xuất các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, gia hạn tiền thuê đất.

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết có chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực trong thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải nhằm thể chế hóa Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, phát huy lợi thế đặc thù của Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long, hạn chế bồi lắng ảnh hưởng lưu thông hàng hải; khắc phục khó khăn trong thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước và chi phí logistic, phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt hàng nông sản, phát huy thế mạnh của Cảng Cái Cui , tạo bước phát triển kinh tế cho Cần Thơ và khu vực.

Tuy nhiên, để bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả, đề nghị trước khi triển khai các dự án cụ thể, Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau: Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường; chế độ dòng chảy, bồi lắng trầm tích, địa hình đáy sông, sự tương tác giữa các yếu tố tác động thủy động lực học có thể dẫn đến gia tăng tình trạng xói mòn, sạt lở, bồi lắng bùn cát…; đề xuất giải pháp khắc phục tối đa tác động tiêu cực môi trường đối với luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong tổ chức thực hiện.

Về một số ưu đãi cụ thể, đa số ý kiến cho rằng, mức ưu đãi về thuế và tiền thuê đất được quy định trong Dự thảo Nghị quyết là hợp lý, tương tự như ưu đãi cho các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, để bảo đảm thận trọng, có căn cứ hợp lý, áp dụng lâu dài, đề nghị trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện, từ đó xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng cơ chế này cho cả các dự án mới sau này hoặc điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Có ý kiến cho rằng, để một mặt bảo đảm thu hút đầu tư, song cũng bảo đảm tính an toàn, hợp lý của việc áp dụng thí điểm, đề nghị áp dụng mức ưu đãi thuế và tiền thuê đất thấp hơn; thời hạn rút ngắn hơn so với Dự thảo Nghị quyết để nhất quán với thời hạn thí điểm 5 năm của cơ chế đặc thù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm một số cơ chế đặc thù xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO