Thi công QL 14 qua Tây Nguyên: Khó vượt tiến độ vì “vướng” mặt bằng

06/11/2014 00:00

(TN&MT) - Một số mặt bằng thi công hiện đang bị “vướng”, chưa được địa phương xử lý dứt điểm, gây khó khăn cho đơn vị thi công và làm chậm tiến độ của chủ đầu...

   
(TN&MT) - Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn nước rút, nhiều chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm bàn giao công trình. Tuy nhiên, một số mặt bằng thi công hiện đang bị “vướng”, chưa được địa phương xử lý dứt điểm, gây khó khăn cho đơn vị thi công và làm chậm tiến độ của chủ đầu tư.
   
Dự án BOT Toàn Mỹ 14 đã tập kết 100% vật liệu tại công trình
   
Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ
   
  Dự án nâng cấp, cải tạo đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước (QL 14) được đầu tư xây dựng từ năm 2008, có tổng chiều dài 553km với tổng kinh phí đầu tư 12.968 tỷ đồng, trong đó 212km được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ với kinh phí 7.078 tỷ đồng và 207km được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với kinh phí 5.890 tỷ đồng. Toàn tuyến hiện đã hoàn thành được 231km, dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ cơ bản hoàn thành 332/552km và sẽ thông tuyến vào tháng 10/2015.
   
  Cả 3 dự án đầu tư theo hình thức BOT qua 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đều khởi công từ năm 2013 và theo đánh giá của Ban quản lý Dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh trong cuộc họp giao ban báo chí cuối tháng 10/2014 là tương đối đảm bảo tiến độ. Trong đó, đoạn BOT qua tỉnh Đắk Nông dài 29km, do Liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng Toàn Mỹ 14 và Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương (Dự án BOT Toàn Mỹ 14) làm chủ đầu tư hiện đang vượt lên dẫn đầu, sản lượng thực hiện đến cuối tháng 10/2014 đạt 46% hợp đồng, tương đương với 90% tiến độ tổng thể. Chủ đầu tư đã thi công cấp phối đá dăm (CPĐD) loại 2 được 23,4km, CPĐD loại 1 được 17,8km và trải thảm bê tông nhựa (BTN) được 12km.
   
  Theo đại diện chủ đầu tư Dự án BOT Toàn Mỹ 14, để đạt được thành tích này, đơn vị luôn đốc thúc các nhà thầu tích cực thi công, quyết tâm đảm bảo tiến độ nhưng phải đặt chất lượng công trình lên hàng đầu. Hiện tại, các nhà thầu đã tập kết 100% vật liệu tại công trình, khi bước vào mùa khô sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công với mục tiêu cơ bản hoàn thành trải thảm BTN lớp 1 vào trước Tết Nguyên đán 2015 và bàn giao công trình vào tháng 4/2015 (sớm hơn 6 tháng so với yêu cầu của Bộ GTVT).
   
Các nhà thầu sẽ tăng tốc vào mùa khô
    
   
Nhưng “vướng” mặt bằng thi công
   
  Tuy nhiên, Dự án BOT Toàn Mỹ 14 đang gặp khó vì vướng mắc mặt bằng thi công (MBTC) của 17 hộ dân (dài 0,83km) tại xã Đắk Gằn và xã Đắk Rla (huyện Đắk Mil). Các điểm vướng MBTC có vị trí phân tán, chiều dài không liên tục nên chiều dài đoạn đường thi công ngoài thực tế còn lớn hơn rất nhiều.
   
  Tại Km1809+600, nhà thầu buộc phải ngừng thi công gần 2 tháng nay gia đình chị Nguyễn Thị Dung (ở thôn Bắc Sơn, xã Đắk Gằn) không cho đào cống xả nước. Theo quan sát, phần hạ lưu của cống đang xây dựng đổ thẳng vào vườn cây lâu năm, đồng thời chia cắt mảnh đất ven QL14 của gia đình chị Dung. Anh Vũ Văn Tự (chồng chị Dung), phân bua: “Trước khi thi công, đáng ra họ phải cử người xuống đo đạc, thông báo phương án đền bù cụ thể cho gia đình rồi mới xây dựng. Đằng này, họ chẳng nói gì mà cứ đưa máy móc xuống làm, thậm chí xã còn cho người xuống dọa dẫm, uy hiếp chúng tôi. Quá ức chế vì quyền lợi chính đáng không được giải quyết, chúng tôi đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng, đồng thời đứng ra ngăn cản, không cho nhà thầu tiếp tục thi công”.
   
Gia đình chị Dung ngăn cản việc thi công vì không nhận được đền bù ở phần hạ lưu cống xả
    
   
  Đoạn nắn tuyến thuộc Km1717+450 của QL14 cũng đang trong hoàn cảnh tương tự vì vướng MBTC của gia đình anh Tô Văn Hiếu (ở thôn 7, xã Đắk Rla). Con đường rộng thênh thang buộc phải ngừng thi công vì căn nhà (5m mặt đường) của anh Hiếu chắn ngang. Hệ thống rãnh thoát nước phải chạy vòng, lấn sâu vào trong khiến lòng đường bị bó hẹp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Anh Hiếu bày tỏ: “Con đường mới lấn sâu vào căn nhà của gia đình tôi đang ở lâu nay khoảng 2m. Thế nhưng, Nhà nước chỉ thu hồi và đền bù những hạng mục để làm đường (gồm 10m2 nhà, bờ kè và phần sân trước) chứ không thu hồi khu vực hành lang. Sau khi QL14 hoàn thành, nhà tôi sẽ nằm kề mép đường, người nhà chỉ cần bước chân ra khỏi cửa là gặp xe cộ lưu thông với tốc độ cao nên rất nguy hiểm”.
   
  Cũng theo anh Hiếu, gia đình anh không đồng ý với cách làm việc thiếu rõ ràng và “ì ạch” của chính quyền địa phương. “Lúc đầu, huyện cho người xuống đo đạc và thỏa thuận đền bù 38 triệu đồng, tiếp đó lại nói sẽ đền bù hơn 50 triệu đồng cho các hạng mục bị ảnh hưởng. Tôi thấy việc này rất vô lý vì việc thu hồi và đền bù mặt bằng áp dụng theo quy định chung của Nhà nước nên không thể có chuyện lúc bảo bồi thường giá này, lúc bồi thường giá khác. Sau khi gia đình không đồng ý nhận tiền bồi thường và yêu cầu thu hồi luôn khu vực 13m hành lang thì họ bảo đang làm giấy gửi lên cấp trên, đến tháng 9/2014 sẽ giải quyết. Thế nhưng, đã gần 2 tháng trôi qua mà gia đình chẳng thấy họ xuống làm việc” - anh Hiếu biết thêm.
   
Để đảm bảo sự an toàn, anh Hiếu ngăn cản việc thi công và đề nghị Nhà nước thu hồi luôn 13m hành lang đường bộ
    
   
Chính quyền “thả nổi” trách nhiệm?
   
  Theo ông Hoàng Xuân Vĩnh - Chánh VP UBND huyện Đắk Mil, các hộ dân vướng MBTC yêu cầu huyện thu hồi luôn khu vực hành lang 13m tại các đoạn nắn tuyến và đền bù những diện tích bị ảnh hưởng ở hạ lưu các cống xã. Trong khi đó, Nhà nước lại chưa có quy định đền bù cho các đối tượng này nên địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cặn kẽ cho người dân về các chính sách của Nhà nước, huyện Đắk Mil đã có báo cáo số 110/BC-UBND ngày 3/6/2014 liên quan đến việc GPMB gửi đến BQLDA đường HCM cùng các sở, ngành liên quan đề nghị chủ đầu tư và UBND tỉnh Đắk Nông sớm có biện pháp, chủ trương giải quyết những vướng mắc trong MBTC. Về việc một số hộ dân phản ánh chính quyền xã đưa người xuống dọa dẫm, uy hiếp thì ông Vĩnh vẫn chưa biết “vì chưa thấy báo cáo từ cấp dưới”.
   
  Trao đổi với PV, ông Bùi Khắc Lai - chuyên viên Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Đắk Mil, thừa nhận việc huyện chưa quy hoạch được khu tái định cư (TĐC) cho các hộ dân phải GPMB. Chính vì vậy, nhiều hộ dân dù đã đồng ý phương án bồi thường bằng đất TĐC nhưng huyện không thể bố trí đất ở cho họ. Về việc người dân phản ánh việc bồi thường không rõ ràng, ông Lai khẳng định “việc đo đạc và lên phương án đền bù phải được thực hiện kỹ lưỡng, rà soát lại nhiều lần để đảm bảo được sự chính xác và không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, tuyệt đối không có chuyện trung tâm thực hiện không đúng theo quy định của Nhà nước”.
   
  Theo đại diện chủ đầu tư Dự án BOT Toàn Mỹ 14, chính quyền địa phương có trách nhiệm GPMB và bàn giao đất “sạch” cho nhà thầu thi công. Khi vướng MBTC, đơn vị đã chủ động đến làm việc với chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng để lên kế hoạch, phương án đền bù sao cho thỏa đáng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại tỏ ra “thờ ơ” khiến cho công tác GPMB bị “thả nổi”, những vướng mắc về MBTC kéo dài và càng trở nên phức tạp. “Cách hành xử của chính quyền địa phương cũng bộc lộ nhiều bất cập, gây tâm lý ức chế cho một số hộ dân. Trong những buổi làm việc gần đây với chúng tôi, một số hộ dân thể hiện thái độ mất lòng tin, cương quyết đòi đền bù trước rồi mới cho nhà thầu thi công. Nếu không được bàn giao mặt bằng trước thời điểm giữa tháng 11/2014, tiến độ thi công bị kéo giãn, mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 4/2015 của chúng tôi sẽ có nguy cơ phá sản” - đại diện dự án BOT Toàn Mỹ 14 cho hay.
   
Bài & ảnh: Lê Phước
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi công QL 14 qua Tây Nguyên: Khó vượt tiến độ vì “vướng” mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO