Thêm nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ, phát triển rừng

Đàm Trung| 29/07/2022 10:27

Năm 2020, Việt Nam có hơn 14,6 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ rừng là 42,01%, trong đó hơn 10,2 triệu ha là rừng tự nhiên. Như vậy, có thể nói, tiềm năng về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính để có thể thương mại hóa của Việt Nam là rất lớn.

Biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng của toàn cầu và Việt Nam - một trong các quốc gia đang phát triển cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định "... mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050".

anh-rung-1.jpg
Giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng

Thực hiện mạnh mẽ cam kết này, Việt Nam cần kiểm soát, xây dựng lộ trình cắt giảm khí thải ngay từ bây giờ, trong đó biện pháp thông qua bảo vệ, phát triển rừng bền vững giúp hấp thụ khí CO2, hình thành thị trường giao dịch tín chỉ các-bon rừng là một trong những chính sách cần thiết và hiệu quả. Với lợi thế về tự nhiên, diện tích rừng lớn, Việt Nam đang có vai trò quan trọng để đạt được sự cân bằng này.

Tại Việt Nam, sau hơn 10 năm triển khai, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã từng bước đi vào cuộc sống, ngày càng nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của xã hội. Hàng năm, chính sách này đã huy động được nguồn lực hàng nghìn tỉ đồng từ xã hội góp phần hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giúp tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân đặc biệt là những đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, sống phụ thuộc vào rừng.

Ngoài ra, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh là một loại dịch vụ môi trường rừng được quy định trong Luật Lâm nghiệp năm 2017. Loại dịch vụ này được nghiên cứu, đánh giá là có tiềm năng lớn đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng và ngành lâm nghiệp nói chung.

thang-2_1.jpg
Lễ ký kết ý định thư với tổ chức Emergent cơ quan ủy thác của (LEAF) về giảm phát thải

Tháng 10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) là đơn vị nhận ủy thác của Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) giai đoạn 2018-2025, gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Theo đó, ERPA chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các-bon đi-ô-xít tương đương (CO2e) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025 cho FCPF, với tổng số tiền là 51,5 triệu đô la Mỹ. Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA xem xét, sớm ban hành làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, mới đây, trong khuôn khổ của hội nghị COP 26, ngày 31/10/2021 tại Glassgow, Scotland, Vương quốc Anh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Tăng cường tài chính Lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) đã ký Ý định thư (LOI) để Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ 4,26 triệu ha rừng (trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha) tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022-2026 và LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.

Đây là những tiền đề quan trọng, giúp tạo ra nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp đầu tư trực tiếp vào rừng, hình thành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới, giúp gia tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, giá trị sinh thái của rừng, cải thiện sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giá trị dịch vụ các-bon rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng.

thang-7.jpg
Bảo vệ và phát triển rừng bền vững cũng như sinh kế cho đồng bào nghèo làm nghề rừng, sống phụ thuộc, gắn bó với rừng

Hiện nay, nhiều địa phương đang xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon của rừng, đón đầu xu thế ví dụ như tỉnh Quảng Nam dự kiến tổng lượng giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính của rừng giai đoạn 2019-2030 bình quân 1,6 triệu tấn/năm; Luật Bảo vệ môi trường được thông qua và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn được ban hành có quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon; cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát thải trong hạn ngạch đã được phân bổ; cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế…, dự kiến sẽ tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2025 và chính thức hoạt động vào năm 2028.

Trước tình hình đó, Tổng cục Lâm nghiệp đang tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp, đặc biệt cụ thể hóa nội dung về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng trong nước và quốc tế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp.

Việc thể chế hóa được loại dịch này và áp dụng vào thực tiễn có ý nghĩa quan trọng, là một bước tiến lớn của ngành lâm nghiệp vì đây là loại dịch vụ hoàn toàn mới tại Việt Nam, trước đó, chưa có nghiên cứu tiếp cận nào về nó, giúp huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững cũng như sinh kế cho đồng bào nghèo làm nghề rừng, sống phụ thuộc, gắn bó với rừng. Và việc phát triển chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với mua bán tín chỉ các-bon từ rừng là tất yếu, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ, phát triển rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO