Theo đánh giá kết luận, Dự án đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; góp phần cung cấp thông tin giá trị, đề xuất giải pháp hữu ích cho cơ quan thực hiện công tác dân tộc.
Dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi” do ThS. Trần Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (UBDT) Chủ nhiệm; Vụ Tuyên truyền (UBDT) là đơn vị chủ trì triển khai nhiệm vụ.
Mục tiêu của dự án nhằm điều tra làm rõ thực trạng công tác tuyên truyền trên các phương diện nội dung, lực lượng, phương thức, cơ sở vật chất, điều kiện thực hiện hoạt động truyên truyền chính sách dân tộc; đánh giá những kết quả đạt được; chỉ ra được những hạn chế, khó khăn, bất cập trong công tác tuyên truyền chính sách dân tộc. Từ đó, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Triển khai Dự án, ThS. Trần Tuấn Anh và các cộng sự, đồng nghiệp đã thực hiện điều tra, khảo sát tại 4 tỉnh thuộc 4 vùng: Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Trọng tâm là các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới tiếp giáp với các nước lân cận. Cụ thể: Tại 2 xã Tri Phương và Phong Nặm thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (tiếp giáp Trung Quốc); 2 xã Đắk Long và Đắk Nhoong thuộc huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum và 2 xã Lóng Sập và Chiềng Khừa thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (đều giáp Lào; tại 2 xã Phú Lợi và Phú Mỹ thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang (giáp Campuchia).
Việc điều tra nhằm lấy thông tin cơ sở chính xác để đánh giá đúng thực trạng công tác tuyên truyền tại đây, làm căn cứ đề xuất các giải pháp tuyên truyền đối với đồng bào DTTS tại các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới.
Quá trình điều tra thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, Dự án đã đánh giá thực trạng về nội dung tuyên truyền về các nhóm chính sách trên các lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng; thực trạng về lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, phương thức tuyên truyền, phương tiện tuyên truyền...
Về những kết quả tích cực của công tác tuyên truyền chính sách dân tộc của các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN khu vực biên giới, dự án cho thấy: Trong lĩnh vực chính trị, công tác tuyên truyền đã tác động rõ nét và hiệu quả đến nhận thức, niềm tin của đồng bào DTTS; mặt khác, việc tuyên truyền đã góp phần giúp đồng bào có kiến thức phục vụ cuộc sống và sản xuất, cải thiện sinh kế, điều kiện lao động sản xuất, kinh doanh; giúp bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS, nâng cao giá trị văn hóa vùng DTTS; cải thiện nhận thức, thái độ, hành vi các vấn đề xã hội như giáo dục, y tế, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường…
Đối với hoạt động tuyên truyền chính sách dân tộc của các cơ quan Trung ương, Dự án cũng đã chỉ ra những tác động tích cực như: Công tác, hoạt động tuyên truyền chính sách dân tộc đạt được mục đích rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra; cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc và công tác tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương được tập huấn, đảm bảo đúng nội dung đặt ra với các hình thức đa dạng, phong phú.
Dự án cũng nhận diện những khó khăn, bất cập và vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới vùng đồng bào DTTS. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách dân tộc như: Kế hoạch tuyên truyền cần đảm bảo tính toàn diện, thường xuyên, liên tục và có tính chiến lược; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa đội ngũ tuyên truyền viên, chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền là người DTTS ở cơ sở; tăng cường nội dung tuyên truyền chính sách dân tộc bằng tiếng dân tộc; đổi mới phương thức tuyên truyền; có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho người làm công tác tuyên truyền; bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính phục vụ cho hoạt động tuyên truyền...
Phát biểu tại phiên họp nghiệm thu, TS. Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ của UBDT đánh giá: Dự án đã đạt được nhiều kết quả, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao; góp phần cung cấp thông tin, số liệu có giá trị cho cơ quan thực hiện công tác dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân tộc, nhất là với vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm lưu ý, cần phân tích sâu hơn vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên lưu động, đặc biệt là đội ngũ Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; đề xuất giải pháp phù hợp trong bối cảnh thời đại chuyển đổi của công nghệ số, tận dụng các thế mạnh của mạng xã hội, xây dựng hệ thống dữ liệu cơ bản về dân tộc, về công tác tuyên truyền vùng DTTS… góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền về chính sách dân tộc; xây dựng và hoàn thiện Chiến lược truyền thông về dân tộc, chính sách dân tộc để phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào và miền núi.