(TN&MT) - Thực hiện Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Chương trình 590), Hội đồng nhân dân tại nhiều địa phương như An Giang, Cà Mau, Quảng Trị, Kon Tum đã ra Nghị quyết thực hiện.
Chung một mục tiêu
Nghị quyết của các địa phương đều hướng đến việc hỗ trợ trực tiếp cho dân cư các vùng bị thiên tai như: sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng và những vùng đặc biệt khó khăn do thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng thiết yếu; ô nhiễm môi trường... Đồng thời cũng là giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng an ninh; bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái, tài nguyên nước.
Từ năm 2013- 2022 cả nước đã bố trí ổn định cho hơn 113.000 hộ, trong đó hơn 60% số hộ ở vùng có nguy cơ về thiên tai như: lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt…, qua đó góp phần ổn định dân cư, hạn chế thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi địa phương sẽ quy định nội dung, đối tượng, mức hỗ trợ khác nhau. Song ưu tiên hàng đầu của các địa phương là bố trí đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và nước sản xuất để ổn định dân cư.
Theo Nghị quyết số 34/2023/NQ – HĐND ngày 28/3/2023, tỉnh Quảng Trị thực hiện hỗ trợ đất ở đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật và thực hiện làm nhà mới đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với những hộ đơn thân, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2); đảm bảo tiêu chuẩn an toàn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh); đáp ứng yêu cầu công năng, an toàn trong sử dụng; đảm bảo mỹ quan và phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.
Quảng Trị hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân theo hình thức tập trung và xen ghép thuộc đối tượng của Chương trình, bao gồm: Di chuyển người và tài sản, nhà ở, lương thực, nước sinh hoạt. Định mức hỗ trợ đối với vùng miền núi là 70 triệu đồng/hộ, trong đó: Ngân sách tỉnh 50 triệu đồng, ngân sách cấp huyện 20 triệu đồng. Định mức hỗ trợ vùng đồng bằng là 60 triệu đồng/hộ, trong đó: Ngân sách tỉnh 40 triệu đồng, ngân sách cấp huyện 20 triệu đồng.
Đối với hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ, hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai của Quảng Trị nhưng không còn quỹ đất để di chuyển đến chỗ khác, phải bố trí ổn định tại chỗ được hỗ trợ để nâng cấp, sửa chữa nhà ở. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.
Nghị 10/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của tỉnh An Giang xác định ưu tiên thực hiện hỗ trợ, bố trí ổn định dân cư để khắc phục, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; trong đó, các hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở và hộ gia đình, cá nhân có nguy cơ cao hơn (sống trong khu vực có mức độ nguy cơ sạt lở cao) được ưu tiên thực hiện trước. Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân thực hiện bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, bao gồm: Di chuyển người và tài sản, nhà ở, lương thực (trong thời gian đầu tại nơi tái định cư), nước sinh hoạt (nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung). Mỗi hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ với mức hỗ trợ là 30.000.000 đồng/hộ.
Tỉnh Nghệ An đang xây dựng Nghị quyết "Quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030", dự kiến trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào tháng 12/2023.
Theo đó, tỉnh Nghệ An dự kiến hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình được bố trí ổn định dân cư xen ghép đến các vùng biên giới, mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân; các vùng còn lại, mức hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân. Đối với các gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình được bố trí dân cư tập trung đến các vùng biên giới mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân; các vùng còn lại, mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân sau khi các hộ đã di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Tỉnh Nghệ An cũng tính đến hỗ trợ cho cộng đồng dân cư nơi bố trí dân cư xen ghép có từ 05 hộ trở lên thuộc đối tượng của Chương trình di chuyển đến; mức hỗ trợ được tính trên số lượng hộ gia đình, cá nhân di chuyển đến nơi tái định cư, với định mức 50 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân để xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Để dân an cư lạc nghiệp
Theo lãnh đạo các địa phương, bố trí, sắp xếp dân cư là việc khó. Quá trình thực hiện các dự án bố trí dân cư cũng mất nhiều thời gian vì liên quan tới tâm tư, nguyện vọng, tập quán sinh hoạt và canh tác của đồng bào các dân tộc. Hơn nữa, quá trình xây dựng các dự án bố trí dân cư liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của rất nhiều cấp, nhiều ngành ở địa phương như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, vì vậy quá trình thực hiện thường mất nhiều thời gian. Trong khi thiên tai ngày càng phức tạp, nhu cầu sắp xếp dân cư ngày càng lớn. Nếu không triển khai quyết liệt sẽ khó hoàn thành các mục tiêu đã xác định.
Theo Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện bố trí ổn định cho hơn 121 nghìn hộ dân. Còn theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2021-2030 cả nước cần bố trí, sắp xếp ổn định cho khoảng 250 nghìn hộ dân.
Ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho rằng, để giảm bớt chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần ưu tiên đẩy mạnh hình thức bố trí xen ghép và giảm bố trí dân cư tập trung. Điểm mấu chốt là bố trí đất để người dân đến các vùng tái định cư vừa đảm bảo chỗ ở an toàn trước thiên tai bão lũ lại vừa đảm bảo có đất để đảm bảo sản xuất, ổn định cuộc sống. Khu vực đó còn phải phù hợp với quy hoạch để đảm bảo người dân đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, có đời sống, sản xuất ổn định lâu dài.
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Vũ Văn Tiến lưu ý, một trong những vấn đề các địa phương cần quan tâm là kết hợp các hình thức bố trí ổn định dân cư vào vùng tập trung thành lập điểm dân cư mới ở nơi có điều kiện về quỹ đất hoặc bố trí xen ghép vào các điểm dân cư hiện có và ổn định tại chỗ, trong đó bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ là chủ yếu.
Sự quan tâm của các địa phương về bố trí, sắp xếp dân cư cho thấy Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đang cùng quyết tâm hành động để "không ai bị bỏ lại phía sau". Tuy nhiên, để mục tiêu đó thành hiện thực thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.