Thế giới

Thế giới trải qua ba tháng nóng kỷ lục: Cảnh báo nắng nóng còn tiếp diễn

Mai Đan 08/09/2023 - 17:52

(TN&MT) - Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu do Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF) điều hành, thế giới vừa trải qua 3 tháng nóng nhất kỷ lục. Nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu đang ở mức cao chưa từng thấy trong tháng thứ ba liên tiếp và phạm vi băng biển ở Nam Cực vẫn ở mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm.

untitled-design-2023-05-29t152503.746.jpg
Nắng nóng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Mùa hè 2023 nóng kỷ lục

Theo dữ liệu mới của Copernicus, tháng 8 là tháng nóng nhất được ghi nhận và nóng hơn mọi tháng khác trong năm nay ngoại trừ tháng 7. Theo bản tin khí hậu hàng tháng của C3S, tháng 8 nói chung thường nóng hơn khoảng 1,5°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp trong giai đoạn 1850-1900.

Vẫn chưa rõ liệu năm nay có phải là năm nóng nhất hành tinh được ghi nhận hay không, nhưng có vẻ như điều đó sẽ đến rất gần. Copernicus cho biết, khi còn 4 tháng trong năm, năm 2023 hiện được xếp hạng là năm ấm thứ hai trong lịch sử, chỉ thấp hơn 0,01 độ C so với năm 2016, hiện là năm ấm nhất được ghi nhận.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Copernicus cho biết, các đại dương trên thế giới - chiếm hơn 70% bề mặt Trái đất - là nơi nóng nhất từng được ghi nhận, gần 21 độ C và đã thiết lập các mốc nhiệt độ cao trong 3 tháng liên tiếp.

Phạm vi băng biển ở Nam Cực vẫn ở mức thấp kỷ lục trong thời gian này trong năm, với giá trị hàng tháng thấp hơn mức trung bình 12%, cho đến nay là mức bất thường nhất trong tháng 8 kể từ khi các quan sát vệ tinh bắt đầu vào cuối những năm 1970. Phạm vi băng biển Bắc Cực thấp hơn mức trung bình 10%, nhưng cao hơn mức tối thiểu kỷ lục vào tháng 8/2012.

WMO tổng hợp dữ liệu từ C3S và 5 bộ dữ liệu quốc tế khác cho các hoạt động giám sát khí hậu và báo cáo Hiện trạng Khí hậu.

Một báo cáo vào tháng 5/2023 của WMO và Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh dự đoán rằng có 98% khả năng là ít nhất một trong 5 năm tới sẽ có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận và 66% khả năng, trong ít nhất 1 trong các năm từ 2023 đến 2027, mức tăng nhiệt độ bề mặt toàn cầu sẽ vượt quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,5°C được quy định trong Thỏa thuận Paris.

Lo ngại có cơ sở

Giải thích về những lo ngại trên, ông António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết trong một tuyên bố về dữ liệu của Copernicus: "Hành tinh của chúng ta vừa trải qua một mùa sôi sục - mùa hè nóng nhất được ghi nhận. Sự cố khí hậu đã bắt đầu. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo về hậu quả của việc nghiện nhiên liệu hóa thạch. Khí hậu của chúng ta đang biến đổi nhanh hơn mức chúng ta có thể ứng phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở mọi nơi trên hành tinh”.

“Kỷ lục nắng nóng toàn cầu mới nhất này là điều hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới khẩn trương theo đuổi các giải pháp khí hậu. Chúng ta vẫn có thể tránh được tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất - và chúng ta không có thời gian để lãng phí”, ông Guterres nhấn mạnh.

Ông Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO cho biết Bắc bán cầu vừa trải qua một mùa hè khắc nghiệt, với những đợt nắng nóng lặp đi lặp lại gây ra cháy rừng tàn khốc, gây hại cho sức khỏe, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và gây thiệt hại lâu dài cho môi trường.

Phạm vi băng biển ở Nam Cực thực sự nằm ngoài bảng xếp hạng và nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu một lần nữa đạt kỷ lục mới. Điều đáng chú ý là điều này xảy ra trước khi chúng ta thấy toàn bộ tác động nóng lên của sự kiện El Nino, thường diễn ra vào năm thứ 2 sau khi nó phát triển.

Giám đốc Dịch vụ Biến đổi Khí hậu của Copernicus Carlo Buontempo cho biết: “Trong 8 tháng đầu năm 2023, chúng ta đang trải qua năm ấm thứ hai từ trước đến nay, chỉ mát hơn một chút so với năm 2016 và tháng 8 được ước tính ấm hơn khoảng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Những gì chúng tôi đang quan sát - không chỉ những hiện tượng cực đoan mới mà cả sự tồn tại dai dẳng của những điều kiện phá kỷ lục này - cũng như những tác động của chúng đối với cả con người và hành tinh là hậu quả rõ ràng của sự nóng lên của hệ thống khí hậu”.

Theo các nhà khoa học, năm 2024 có thể sẽ còn nóng hơn nữa do sự xuất hiện của El Nino, một biến động khí hậu tự nhiên khiến nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn mức trung bình và ảnh hưởng đến thời tiết. Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc Copernicus cho biết: "Nếu chúng ta không ngừng thải khí nhà kính, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều kỷ lục về khí hậu hơn cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, ảnh hưởng đến xã hội và hệ sinh thái".

Theo Tổng hợp từ WMO&CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới trải qua ba tháng nóng kỷ lục: Cảnh báo nắng nóng còn tiếp diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO