Thế giới hoan nghênh Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris

Mai Đan| 20/02/2021 11:50

(TN&MT) - Sau hơn 100 ngày rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ vừa chính thức trở lại Hiệp định này, đánh dấu bước đi có ý nghĩa biểu tượng cao. Các nhà lãnh đạo thế giới đã hoan nghênh sự quay lại của Mỹ và mong rằng quốc gia này sẽ đặt ra những mục tiêu tham vọng về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2030.

Bão tuyết do thời tiết khắc nghiệt ở bang Texas (Mỹ) đã dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng tại bang này. Ảnh: Unsplash / Matthew T. Rader

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định, việc Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu rất quan trọng, tương tự như tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ rằng quốc gia này sẽ quay lại cung cấp viện trợ về khí hậu nhiều hơn cho các nước khác như đã cam kết hồi năm 2009.

“Thế giới rất kỳ vọng vào những cam kết có ý nghĩa và động thái lần này của Mỹ sẽ là tấm gương cho các nước khác noi theo. Tính đến nay, đã có hơn 120 quốc gia, bao gồm cả những nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất như Trung Quốc, đã cam kết sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào khoảng giữa thế kỷ”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết: “Tôi hoan nghênh việc Mỹ chính thức trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sự quay trở lại này sẽ giúp tăng cường hành động toàn cầu. Cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden đạt mức phát thải ròng bằng 0 cũng đồng nghĩa với việc các nước phát thải lớn nhất vẫn đang theo đuổi mục tiêu giảm hoàn toàn lượng khí thải vào năm 2050”.

Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức (20/1/2021), Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp đảo ngược quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm Donald Trump. Trước đó, vào năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi văn kiện quan trọng này.

Cựu Giám đốc cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, bà Christiana Figueres lo ngại các quốc gia khác sẽ có động thái tương tự nước Mỹ, từ bỏ cuộc chiến khí hậu, nhưng không nước nào hành động như vậy.

Trong khi đó, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Inger Andersen cho biết, Mỹ phải chứng minh vai trò lãnh đạo của mình đối với các quốc gia còn lại trên thế giới. Chính quyền Tổng thống Biden đã cam kết đưa ra những mục tiêu cụ thể về khí hậu trước hội nghị thượng đỉnh Ngày Trái đất vào tháng 4/2021.

Một mục tiêu dài hạn nhằm kiềm chế nhiệt độ Trái Đất tăng đến 2 độ C theo như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 và thậm chí là tham vọng hơn là 1,5 độ C từ nay đến năm 2050. Việc Mỹ quay trở lại hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng về cắt giảm khí thải sẽ góp phần hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới hoan nghênh Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO