Thầy giáo đi bộ xuyên Việt đến quê hương Quảng Trị

12/08/2014 00:00

(TN&MT) - Với thông điệp: "Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi", hành trình của thầy Tuấn đã trải qua 7 tỉnh từ Hà Nội vào đến Quảng Trị.

   
(TN&MT) - Với hành trang là chiếc ba lô 15kg gồm quần áo, vật dụng cá nhân, thuốc men, một ít lương thực, cùng hai lá cờ (một lá cờ Tổ quốc, một lá cờ in dòng chữ Hướng về biển Đông). Thầy giáo trẻ Võ Mạnh Tuấn, hiện đang là giảng viên Trường Trung cấp nghề Kon Tum (tỉnh Kon Tum) sẽ đi bộ từ Quảng trường Ba Đình (thủ đô Hà Nội) đến Dinh Độc lập (TP. Hồ Chí Minh) với thời gian dự kiến khoảng 2 tháng (từ tháng 7 - 9/2014). Và vào lúc 15 giờ 19 phút ngày 9/8, thầy Tuấn đã đến miền quê Quảng Trị, nơi Tuấn sinh ra và lớn lên.
   
"Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi"
   
  Với thông điệp: "Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi", hành trình của thầy Tuấn đã trải qua 7 tỉnh từ Hà Nội vào đến Quảng Trị. Tuấn chia sẻ về ý tưởng của chuyến đi: Khi xem đoạn video nói về sự hy sinh của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam khi chiến đấu bảo vệ vùng biển của Tổ quốc tại đảo Gạc Ma vào năm 1988, tôi vô cùng xúc động và tự nhủ, mình phải làm một điều gì đó dù nhỏ nhoi cho quê hương đất nước, xứng đáng với những hy sinh mất mát của cha ông. Từ đó, ý tưởng đi bộ xuyên Việt gây quỹ ủng hộ những ngư dân cũng như các chiến sĩ hải đảo, đặc biệt là những trẻ em vùng biển cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn được Tuấn ấp ủ và thực hiện.
   
Nơi Tuấn bắt đầu hành trình là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
   
  Ý tưởng đã thành hình từ 7 năm trước, nhưng đến nay Tuấn mới thực hiện được. Tuấn chia sẻ: Mãi cho đến khi xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam. Chứng kiến những hành động vô nhân đạo, trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi hành xử tại biển Đông, đặc biệt là những hành động đâm va, phá hoại ngư lưới cụ của ngư dân Việt Nam. "Trong điều kiện ngư dân chúng ta đang còn hạn chế về phương tiện bám biển. Bản thân tôi là một người trẻ tuổi, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó, hỗ trợ một phần dù nhỏ để nối dài những chuyến vươn khơi của bà con ngư dân…"- Tuấn nói.
   
  Vượt qua quãng đường gần 600km từ Ba Đình (Hà Nội). 15 giờ 19 phút ngày 9/8, thầy giáo Võ Mạnh Tuấn với hành trình xuyên Việt đã về đến quê hương Quảng Trị. Chia sẻ trên trang cá nhân của mình Tuấn viết: "15h19'. Chào quê hương tuổi thơ.  Tôi... chào mảnh đất nhiều đau thương nhưng cũng lắm kiên cường này, chào những cơn gió Lào, chào những đồi cát trắng…".
   
Ngày 9/8, Tuấn đã đến miền quê Quảng Trị, nơi Tuấn sinh ra và lớn lên
   
  Với dáng người nhỏ bé, đôi mắt sáng, làn da rám nắng…, đôi giày to quá khổ vì được lót rất nhiều bông vải cùng chiếc ba lô to tướng sau lưng nhưng không làm mất đi vẻ nhanh nhẹn của Tuấn. Gặp chúng tôi tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Địa điểm Tuấn dừng lại thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ. Thầy Tuấn chia sẻ: " Mỗi người con của đất nước Việt Nam này, sinh ra và lớn lên đều mang ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Mình là thế hệ trẻ, phải tiếp bước cha ông đi trước sống sao cho xứng đáng với những hy sinh cao cả đó".
   
  Trong hành trình về với quê hương Quảng Trị, một trong những điểm dừng chân của Tuấn là đến trao những phần quà ý nghĩa mà mình đã vận động ủng hộ trên hành trình xuyên Việt đến các em học sinh là con những gia đình ngư dân bãi ngang đang ngày đêm bám biển.
   
  Buổi trưa nơi triền đất bãi ngang trong cái nắng gay gắt và gió Lào thổi như xé. Chúng tôi cùng Tuấn tìm về xã Gio Hải, huyện Gio Linh nơi hầu hết người dân đều phải dựa vào biển khơi tìm kế mưu sinh trong điều kiện phương tiện đánh bắt còn nhiều hạn chế, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng khan hiếm, việc vươn khơi bám biển gặp không ít trở ngại. Gia đình của chị Nguyễn Thị Dần ở thôn 4, xã Gio Hải là nơi chúng tôi tìm gặp đầu tiên. Chồng chị Dần vừa mới mất mấy tháng nay trong một lần ra biển đánh cá. Một thân một mình chị Dần trở thành một "bến không chồng" nuôi dưỡng ba người con đang ăn học. Nhận món quà gồm 2 tập vở và số tiền 500.000 đồng từ tấm lòng của Tuấn, chị Dần không thể nào cầm được dòng nước mắt. Em Trần Thị Lệ (17 tuổi), con của chị Dần cho chúng tôi biết: "Hành động của anh Tuấn làm em rất cảm phục và xúc động. Em xin hứa sẽ cố gắng học tập để không phụ tấm lòng của anh Tuấn đã giành cho gia đình em…".
   
  Ngoài ra, những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đã được Tuấn gửi đến với gia đình anh Hồ Văn Lụt và gia đình anh Nguyễn Văn Thi, thôn 5, xã Gio Hải, đều là những ngư dân bãi ngang có con đang theo học, cuộc sống hiện gặp nhiều khó khăn.
   
"Chân trần, chí thép"
   
  Sinh năm 1987, quê ở thị trấn Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Tuấn hiện đang là giảng viên của Trường Trung cấp Nghề Kon Tum. Được biết, Tuấn vừa mới học xong chương trình thạc sĩ và đã gia nhập hàng ngũ của Đảng.
   
  Vượt qua quãng đường từ Hà Nội vào đến Quảng Trị, Tuấn đã gặp không ít những trở ngại. Chia sẻ những khó khăn gặp phải Tuấn nói: Ngoài bụi đường và thời tiết ra thì không có khó khăn nào cho mình cả. Nhưng khi đề cập đến đôi giày to tướng được độn rất nhiều bông vải và bàn chân phồng rộp thì Tuấn chỉ cười bảo đó không là gì…
   
Tuấn thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ khi đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9
   
  Hành trình của Tuấn đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn trẻ khắp cả nước, như sự hỗ trợ rất lớn từ phía Tỉnh Đoàn Kon Tum, trong đó Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Kon Tum đã lập ra một chương trình gây quỹ từ thiện với tên gọi: “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” nhằm kêu gọi mọi người hưởng ứng cuộc vận động của Tuấn.
   
  "Đừng lãng quên quá khứ", đó là lời nhắn mà Tuấn muốn gửi đến các bạn trẻ trong câu nói anh nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: “Nếu bạn bắn vào quá khứ một phát súng lục thì tương lai sẽ đáp trả bằng một viên đại bác”. Chỉ mong các bạn trẻ đừng quay lưng lại với quá khứ hào hùng của dân tộc. Đã biết bao đời, các lớp cha ông đã hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân để chúng ta có ngày hôm nay. Chúng ta, phải sống, cống hiến làm sao cho xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha anh thuở trước.
   
  Trong hành trang của Tuấn luôn có cuốn "Chân trần chí thép" của cựu binh James G. Zumwalt. Chia sẻ những điều mà cuốn sách "gối đầu giường" mang lại cho mình, Tuấn nói: Trong cuốn sách đã nói lên ý chí thép của cha ông ta trước đây. Sở hữu ý chí ấy thôi thì đôi chân trần cũng có thể làm nên những kỳ tích như ông cha ta trước đây đã từng đánh đuổi biết bao thế lực ngoại bang hùng mạnh cho đất nước thống nhất, nhân dân được tự do, các em được đến trường.
   
Trao quà cho gia đình anh Hồ Văn Lụt, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
   
  Những bước chân của Tuấn đã trải qua biết bao miền quê dọc dài từ Hà Nội đến khúc ruột miền Trung. Vượt qua những trận mưa như táp vào mặt trong bộ áo quần ni lông, hay đối diện với những đoạn đường bụi mù trong cái nắng "nám trái bưởi" của những ngày tháng 8. Trong những bước chân không biết mệt của mình, Tuấn đã được tiếp thêm sức mạnh khi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ dọc đường. Những kỷ niệm nho nhỏ như một bữa cơm ăn vội cùng các công nhân đường sắt, một đêm ngủ nhờ ở nhà người dân dọc đường… đều được anh trân trọng và yêu mến. "Nếu không có sự giúp đỡ, sẻ chia của mọi người dọc đường đi, chắc mình sẽ không thể hành trình và tiếp tục hành trình", Tuấn nói.
   
  Trong hành trình của mình, những địa điểm hình ảnh mà Tuấn đã đi qua đều được đăng tải trên trang cá nhân. Hành trình của Tuấn đã nhận được sự động viên, chia sẻ của rất nhiều người trên khắp mọi miền đất nước. Khi chia tay chúng tôi, Tuấn tâm sự: Đừng khen Tuấn. Hãy cùng Tuấn vượt qua những chặng đường phía trước. Hành trình của Tuấn sẽ không thể nào thành công nếu thiếu vắng mọi người, bởi mục đích cao nhất của chuyến đi này là nhằm kêu gọi những tập thể, cá nhân cùng chung tay ủng hộ cho quỹ “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi”, để dành một sự động viên dù nhỏ đến các em học sinh là con em những ngư dân đang ngày đêm bám biển được đến trường.
   

Bài và ảnh: Hải Tân – Anh Dũng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầy giáo đi bộ xuyên Việt đến quê hương Quảng Trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO