Thay đổi mô hình sản xuất để ứng phó với BĐKH

19/11/2015 00:00

(TN&MT) - Trong thời gian qua, để ứng phó với các yếu tố cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt… song song...

 

(TN&MT) - Trong thời gian qua, để ứng phó với các yếu tố cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt… song song với các giải pháp trồng rừng, xây dựng hệ thống đê, kè biển… thì ở các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều mô hình canh tác mới,  thay đổi giống lúa để thích nghi với BĐKH.

Tại Hội thảo “Biến đổi khí hậu và sản xuất lúa ở ĐBSCL” được Trường Đại học Cần thơ tổ chức vừa qua, GS-TS Nguyễn Thị Lang, Viện lúa ĐBSCL cho rằng, nông nghiệp vùng ĐBSCL cần phải chuyển hướng theo chiều sâu, trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp, những tiến bộ kỹ thuật mới để ứng dụng các giống lúa cải tiến có khả năng chống chịu ngập một phần do lũ, ngập hoàn toàn, chống chịu khô hạn, chống chịu mặn…

Theo bà Lang, thời gian qua, Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số giống lúa cải tiến cho năng xuất cao thích ứng với BĐKH như: giống lúa OM 4900, OM 5451, OM 4488… ứng dụng cho những vùng bị ngập sâu của tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và 1 phần của TP. Cần Thơ; giống lúa OM 8108, OM 8104… được áp dụng cho khu vực đất bị nhiễm mặn như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang; giống lúa OM 6677, MNR1, MNR2, MNR3…chống chịu đất nhiễm phèn ở tỉnh Hậu Giang, Long An…

Mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI ở TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng
Mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI ở TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng

 

Trong thời gian qua, nông dân xã Châu Hưng, huyện Bình Đại đã tập trung cấy, sạ những giống lúa mới có khả năng thích ứng, sinh trưởng bình thường trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu mặn như OM4900, OM6162, OM8108… Với việc áp dụng cấy, xạ các giống lúa mới, quy trình kỹ thuật mới nên năng suất đạt bình quân 55 tạ/ha, tăng từ 10 – 15 tạ/ha so với trước khi thực hiện mô hình này.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai thực hiện mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI, nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH. Mô hình áp dụng quản lý nước theo ướt khô xen kẽ, 3 giảm 3 tăng và phương pháp cấy bằng máy thì rất phù hợp với điều kiện BĐKH. Ngoài những lợi ích về kinh tế thì người nông dân còn tiếp cận được với quy trình kỹ thuật sản xuất lúa bền vững, bảo vệ môi trường.  

Ông Nguyễn Minh Trí – Trưởng Trạm Khuyến nông TX. Ngã Năm ( Sóc Trăng) nhận định: “Mô hình sản xuất này đã thích ứng tốt với BĐKH, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn hiện nay nhờ vào chế độ quản lý nước theo phương pháp ướt khô xen kẽ và phòng trừ dịch bệnh theo phương pháp IPM”…

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ cho hay, trong thời gian vừa qua, để thích nghi với thời tiết bất lợi, nông dân ở các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu…đã thay đổi tập quán sản xuất, một số khu vực chuyên trồng lúa 3 vụ được chuyển sang trồng khoai- bắp- lúa ngắn ngày hay mô hình trồng dưa hấu-đậu xanh-bắp, mô hình trồng màu – lúa - khoai.

Thu hoạch cà ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ
Thu hoạch cà ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ

Trước đây, vùng đất dọc tuyến quốc lộ 61B thuộc địa phận huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ; huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy tỉnh Hậu Giang, nông dân chuyên trồng lúa nước, mỗi năm 3 vụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thời tiết không thuận lợi, khó khăn trong việc lấy nước cải tạo đất trồng lúa, nên nông dân đã chuyển sang trồng xen kẽ một số loại cây trồng như: đậu, bắp, đậu ve, cà, bầu, hẹ, hoa huệ…

Chị Nguyễn Thị Bé, ở ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền ( TP. Cần Thơ) cho biết, gia đình chị có 3 công đất ruộng cặp quốc lộ 61B, từ trước đến nay diện tích đất này chuyên trồng lúa, nhưng thời gian gần đây nguồn nước khan hiếm, phù xa ít vào đồng ruộng, nên việc đầu tư phân bón cho mỗi công ruộng phải tăng lên, tính ra không có lời. Việc thay đổi cây trồng trên đồng ruộng vừa mang lại thu nhập cao cho người dân, vừa thích ứng được với thời tiết ngày càng khắc nghiệt như hiện nay…       

 “Các mô hình sản xuất trên được triển khai đã thu được những kết quả quan trọng, đặt biệt đã giúp người nông dân xác định được những ưu tiên trong sản xuất thích nghi với BĐKH và bố trí thời vụ hợp lý, chọn lựa cây, con phù hợp…”- PGS-TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bài & ảnh: Lê Hùng

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi mô hình sản xuất để ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO