Tháp Mường Và – Nét đẹp văn hóa, tâm linh của dân tộc Lào vùng biên giới

Nguyễn Nga| 06/06/2022 11:37

(TN&MT) - Nằm trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Sơn La, Tháp Mường Và (bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp) là công trình kiến trúc linh thiêng, cổ kính được nhân dân bản Mường Và tôn sùng, bảo vệ từ bao đời nay.

a4.jpg

Tháp Mường Và là công trình ghi dấu ấn của tình hữu nghĩ Việt – Lào.

Có hơn 200 km đường biên giáp với nước bạn Lào, Sơn La hiện là vùng đất có nhiều người dân vùng thượng Lào sinh sống từ lâu đời, tập trung chủ yếu ở hai huyện Sốp Cộp và Sông Mã.

Mường Và, theo tiếng địa phương, có nghĩa là miền đất đông người tập trung sinh sống, đất đai màu mỡ phì nhiêu, có cánh đồng bằng phẳng và phong cảnh đẹp, cư dân bản Mường Và phần lớn là người Lào.

a2.jpeg
a3.jpeg

Tháp tọa lạc trên đồi cao, đứng từ trên tháp nhìn xuống có thể ngắm trọn phong cảnh hữu tình của vùng biên Sốp Cộp.

Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 400 năm, Thầy địa lý đã bàn với Chẩu Hua (người đứng đầu trong vùng), huy động nhân dân xây chùa và tháp ở vùng này. Không lâu sau đó, tháp Mường Và được dựng lên bằng sự lao động miệt mài và sự sáng tạo không ngừng của bà con trong vùng.

Tháp tọa lạc trên một quả đồi nhân tạo, có vị thế đắc địa của bản Mường Và, cách trung tâm huyện Sốp Cộp khoảng 7,5km về phía Đông Nam; một dãy núi chạy theo hình vòng cung phía sau tháp tạo nên thế vững chãi, uy nghi cho công trình; bao bọc hai bên và phía sau tháp là 3 hồ nước tạo thành thế chân vạc, bảo vệ đời sống của đồng bào Mường Và được ấm no, hạnh phúc. Mặt chính của tháp hướng về phía đông, có tầm nhìn thoáng đãng, trông xa có dãy núi án ngữ chạy dài như một bức tường thành oai phong.

a5.jpg

Tháp Mường Và có chiều cao 13m với kiến trúc độc đáo.

a1.jpeg

Già làng Lò Văn Bóng ngày ngày đều đến dọn dẹp, chăm nom Di tích.

Ngoài hình khối, nét độc đáo của tháp còn đến từ nguyên liệu xây dựng tháp. Tháp được xây bằng gạch vồ, vôi, cát và mật. Với chiều cao 13m, mỗi cạnh chân tháp là 2,85m; tháp được xây đặc toàn bộ, không có cửa, phân chia 4 mặt khá đều nhau, mỗi mặt quay một hướng. Tháp được chia thành 5 tầng, trang trí nhiều hoa văn mang đậm nét đẹp tôn giáo như Hình bán nguyệt, lá đề, voi, hoa cúc, hoa sen… thể hiện nền văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Lào vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng.

Đã hơn 70 tuổi, nhưng ngày ngày, Già làng Lò Văn Bóng, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi bản Mường Và luôn đến Tháp để hương khói, dọn dẹp, trông nom di tích bằng tấm lòng chân chất, nghĩa tình của người con dân bản.

a8.jpg

Già làng Lò Văn Bóng dọn dẹp, lau chùi lại nơi bảo tồn những hiện vật.

Già làng Lò Văn Bóng chia sẻ: Chúng tôi có 3 người, được giao nhiệm vụ trông coi, quét dọn Di tích. Mỗi ngày cũng có khá đông nhân dân, du khách đến tham qua, khấn bái, nhất là những ngày lễ tết. Di tích được xây dựng từ rất lâu rồi, là nơi ghi dấu về vùng đất của dân tộc Lào, cũng là nơi để dân bản cầu mong, cầu khấn phù hộ bà con làm ăn phát đạt, ấm no, hạnh phúc, bình yên.

Bởi thế, dù tuổi đã cao, nhưng bằng tình yêu quê hương, bằng tâm huyết, ông vẫn nhiệt tình đóng góp công sức trông nom, bảo vệ Di tích, giới thiệu về Di tích để góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, thu hút du khách biết và đến thăm quan Tháp.

a6.jpg
a7.jpg

Tháp Mường Và là địa chỉ tham quan, chiêm bái của cộng đồng các dân tộc địa phương.

Được biết, Tháp Mường Và được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1998. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tháp được trùng tu 2 lần; đến năm 2013 xây dựng Nhà quản lý tháp như hiện nay.

Không chỉ ghi dấu ấn là công trình kiến trúc linh thiêng và di tích văn hóa cổ kính của dân tộc Lào vùng biên giới Sơn La, hiện nay, Tháp Mường Và còn là địa chỉ tham quan, chiêm bái của cộng đồng các dân tộc địa phương. Từ trên tháp có thể ngắm toàn cảnh bản Mường Và cùng những dãy núi trùng điệp, cánh đồng rộng mênh mông và dòng suối thơ mộng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, ngoài ý nghĩa về mặt kiến trúc, nghệ thuật, Di tích tháp Mường Và còn mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, bởi nằm ngay ở nơi tiếp giáp vùng biên giới giữa Việt Nam và Lào; qua đó khẳng định tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Lào cũng như mối giao lưu về văn hóa giữa hai dân tộc vùng biên giới là dân tộc Lào và dân tộc Thái ở Sơn La.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháp Mường Và – Nét đẹp văn hóa, tâm linh của dân tộc Lào vùng biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO