Thành lập mô hình số độ cao bằng phương pháp đo vẽ lập thể ảnh viễn thám siêu cao tần

16/10/2014 00:00

(TN&MT) - Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng ảnh vệ tinh RADAR độ phân giải cao trong thành lập mô hình số độ cao và kiểm kê đảo”.

   
(TN&MT) - Với mục đích ứng dụng công nghệ đo vẽ lập thể ảnh viễn thám siêu cao tần trong công tác thành lập mô hình số độ cao ở Việt Nam cũng như đánh giá độ chính xác mô hình số độ cao được thành lập cũng như khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám siêu cao tần trong thành lập mô hình số độ cao ở Việt Nam, Trung tâm Viễn thám quốc gia (nay là Cục Viễn thám quốc gia) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng ảnh vệ tinh RADAR độ phân giải cao trong thành lập mô hình số độ cao và kiểm kê đảo”.
   
  Khu vực nghiên cứu Hạ Long - Cát Bà nằm ở phía Đông Bắc trong vịnh Bắc Bộ có vị trí địa lý trung tâm tại tọa độ 20052’35’’ vĩ độ Bắc và 106058’01’’ kinh độ Đông. Trong đó, vịnh Hạ Long với nhiều hòn đảo lớn nhỏ có cấu tạo chủ yếu là đảo đá. Địa hình khu vực tương đối đa dạng và phức tạp, độ cao từ 0 m tới hơn 500 m. Việc lựa chọn khu vực thử nghiệm nhằm đánh giá công nghệ đo vẽ lập thể ảnh viễn thám siêu cao tần với các kiểu địa hình khác nhau như: địa hình đồi núi có độ dốc trung bình (Hạ Long), địa hình núi đá vôi có độ dốc lớn (Cát Bà) và địa hình bằng phẳng khu vực ven biển (Cát Hải - Cát Bà).
   
Khu vực nghiên cứu Hạ Long - Cát Bà
   
  Kết quả thành lập mô hình số độ cao phụ thuộc vào số lượng, chất lượng và sự phân bố của các điểm khống chế ngoại nghiệp. Thông thường, chúng được phân bố đều trên khắp mô hình và được lựa chọn cả ở những vị trí có độ cao cao nhất và thấp nhất trên mô hình lập thể ảnh viễn thám siêu cao tần. Tuy nhiên, trên ảnh SAR việc lựa chọn các điểm khống chế từ các đối tượng tự nhiên hay nhân tạo là tương đối hạn chế do ảnh thường bị nhiễu đốm.
   
  Việc đánh giá độ chính xác mô hình số độ cao thành lập bằng ảnh viễn thám siêu cao tần sử dụng 16 điểm kiểm tra (các điểm không được sử dụng trong quá trình đinh hướng mô hình lập thể). Kết quả so sánh độ cao đo được trên thực địa bằng công nghệ GPS và độ cao trên mô hình số độ cao thành lập bằng dữ liệu viễn thám siêu cao tần cho thấy độ chính xác mô hình số độ cao đạt tốt hơn 5m. Với độ chính xác này thì mô hình số độ cao thành lập bằng dữ liệu viễn thám siêu cao tần có thể sử dụng cho việc thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1: 25 000 cho các vùng núi.
   
  Khu vực đồng bằng và đồi thấp độ chính xác mô hình số độ cao thành lập bằng phương pháp đo vẽ lập thể ảnh viễn thám siêu cao tần đạt được cao hơn so với khu vực vùng núi với địa hình chia cắt nhiều. Đối với các vách núi có độ dốc lớn (lớn hơn góc tới của tia radar) vấn đề ảnh hưởng của bóng địa hình cần phải cân nhắc xử lý.
   
  Theo kết quả thực nghiệm, đánh giá cho thấy tại những khu vực mặt nước hay rừng ngập mặn ven biển, độ chính xác khớp ảnh tự động và tính toán độ cao thấp hơn so với những khu vực khác. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của sự thay đổi điều kiện môi trường theo thời gian của mặt nước hoặc kết hợp bởi lớp phủ thực vật rừng ngập mặn với bề mặt nước bên dưới và xung quanh.
   
  Theo ThS. Trần Tuấn Ngọc (Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia), mô hình số độ cao được thành lập bằng phương pháp đo vẽ lập thể radar từ ảnh độ phân giải cao TerraSAR-X Stripmap có thể đạt độ chính xác tốt hơn 5 m có thể ứng dụng cho việc thành lập bản đồ địa hình ở tỷ lệ 1: 25.000 và nhỏ hơn.
   
  “Với lợi thế việc chụp ảnh không phụ thuộc vào điều kiện của thời tiết thì ảnh viễn thám siêu cao tần có thể là phương pháp bổ trợ cho việc thành lập bản đồ địa hình ở các khu vực miền núi, biển đảo và biến giới của nước ta nơi có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho thành lập bản đồ địa hình bằng các phương pháp truyền thống” - ông Trần Tuấn Ngọc nhấn mạnh.
   
Minh Xuân
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập mô hình số độ cao bằng phương pháp đo vẽ lập thể ảnh viễn thám siêu cao tần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO