Môi trường

Thanh Hóa: Tìm lời giải cho rác thải

Thu Thủy 15/08/2023 - 10:40

(TN&MT) - Việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang là một vấn đề nan giải chưa thể tháo gỡ trong “một sớm một chiều” do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan tác động.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có tính khả thi cao, tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra giám sát và thu hút kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực môi trường.

Nan giải vấn đề xử lý rác thải

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ngày càng nhiều, ước tính tổng lượng CTRSH phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 460.586 tấn (tương đương 2.545 tấn/ngày) việc xử lý rác thải sinh hoạt đang có nhiều hạn chế, hạ tầng xử lý rác ở nhiều địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều bãi rác quá tải so với công suất thiết kế ban đầu.

6b.jpg
Thanh Hóa khuyến khích, kêu gọi, thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực môi trường, xử lý rác thải

Tiến độ thực hiện dự án trọng điểm để xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và vùng phụ cận còn rất chậm (Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn); một số dự án chưa triển khai (Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Nhà máy xử lý rác thải phường Quảng Minh, TP. Sầm Sơn); Nhiều khu xử lý hiện nay đang quá tải do lượng CTRSH đưa về vượt quá công suất theo quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý rác thải trong khi chưa có đủ cơ sở để triển khai xử lý rác đã phân loại nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác thải phải xử lý.

Bên cạnh đó, công tác thu gom, xử lý CTRSH tại các huyện miền núi còn nhiều hạn chế, do các huyện này có địa hình phức tạp, địa bàn rộng, các đơn vị hành chính phân tán, dân cư phân bố không đồng đều, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên công tác thu gom chất thải rắn mới chỉ triển khai ở khu vực thị trấn.

Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đầu tư hoàn chỉnh công trình thu gom và xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn; chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đi tìm nguyên nhân

Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa: Để xảy ra những tồn tại, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, một phần nguyên nhân do ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và một bộ phận nhân dân còn hạn chế; vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) vẫn còn diễn ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở TN&MT chủ trì xử lý 12/22 vụ việc, trong đó tổ chức kiểm tra 24 cá nhân, doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xử lý và kiến nghị xử lý 14 cơ sở với số tiền xử phạt 1.289.000.000 đồng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT ở cấp cơ sở chưa được thường xuyên, liên tục, còn mang tính thời điểm, chỉ tập trung vào các ngày lễ về môi trường; Công tác quản lý địa bàn của cấp xã, cấp huyện chưa sâu sát. Trách nhiệm chưa cao trong việc giám sát các đơn vị thực hiện các kết luận sau kiểm tra của các cơ quan chuyên môn; chưa chủ động thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT.

Do thiếu căn cứ, cơ sở liên quan đến định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định tại Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020, vì vậy, hiện địa phương đang lúng túng trong triển khai một số nhiệm vụ như: Lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án giá dịch vụ; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH và quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; chi phí xử lý CTRSH và hình thức thu đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

6a.jpg
Nhiều khu xử lý hiện nay đang quá tải do lượng CTRSH đưa về vượt quá công suất theo quy hoạch

Tháo gỡ nút thắt

Để tháo gỡ được những khó khăn còn tồn tại trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải, tỉnh Thanh Hóa xác định công tác tuyên truyền là yếu tố tiên quyết, quan trọng, phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật BVMT đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các tầng lớp nhân dân để từng bước xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về môi trường và phòng ngừa ô nhiễm. Phát động phong trào toàn dân tham gia BVMT, khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hóa BVMT trên địa bàn toàn tỉnh.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường và hạn chế phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

Trên cơ sở thực tiễn về việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT sớm ban hành quy định lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn; hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn và biện pháp xử lý, tái chế chất thải đã phân loại.

Đồng thời, chủ động phát hiện và có biện pháp nhân rộng các mô hình điển hình về BVMT theo hướng phát triển bền vững; quản lý và kiểm soát chặt chẽ chất thải, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực môi trường; đối với các dự án đầu tư mới; đặc biệt, coi trọng khâu thẩm định công nghệ, kiên quyết không chấp nhận các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ lạc hậu không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, sử dụng đất lãng phí. Xã hội hóa công tác BVMT, kêu gọi, thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực môi trường; áp dụng chính sách, cơ chế phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào đầu tư, xây dựng các dự án, công trình xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm và BVMT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Tìm lời giải cho rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO