Thanh Hóa thu hồi đất dự án nghìn tỷ bỏ hoang nhiều năm nay

18/12/2017 00:00

Ngày 17/12, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa xác nhận đã có công văn chấp thuận việc thu hồi 26 ha đất Cty TNHH MTV ôtô Vinaxuki Thanh Hóa thuê trước đó để thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng.

Diện tích này nằm trong phần đất của Cụm công nghiệp Song Lộc, thuộc địa bàn xã Đại Lộc và xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Quyết định này dựa trên đề nghị của Sở TN-MT. Nguyên nhân là Vinaxuki đã không đầu tư, bỏ hoang nhà máy tại Thanh Hóa nhiều năm nay. Với diện tích đất còn lại, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Cty Vinaxuki khẩn trương tái khởi động lại trước ngày 31/3/2018. Sau ngày này, nếu công ty không thực hiện sẽ thu hồi theo quy định.

Được biết, Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Cty CP ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỷ đồng. Mục tiêu là sản xuất, lắp ráp ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi, sản xuất phụ tùng ôtô các loại... Khi đi vào hoạt động, nhà máy hứa hẹn sẽ lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm. Tuy nhiên, thực tế nhà máy chỉ hoạt động được trong thời gian đầu, sau đó tiến độ dần ngưng trệ rồi bỏ hoang suốt những năm qua.

Dự án đình trệ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi 26 ha đất đã cho Vinaxuki thuê
Dự án đình trệ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi 26 ha đất đã cho Vinaxuki thuê

Lý giải về nguyên nhân “chết yểu”, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên phân trần, đầu năm 2011 do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - đơn vị tài trợ tiến hành cắt vốn đầu tư, phá vỡ hợp đồng tín dụng. Vì thế, dù đơn vị đã san lấp, xây dựng gần xong 40.000 m2 nhà xưởng từ trước đó cũng buộc phải dừng sản xuất.

Ông Huyên chia sẻ thêm, từ năm 2008 Vinaxuki đã xây dựng dự án và bắt đầu giai đoạn đầu tư công nghệ cao để sản xuất ô tô Việt Nam với mức nội địa hóa lên đến 50%, một số mẫu ô tô của hãng này bán tốt, được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên đến năm 2012 Vinaxuki bị các ngân hàng dừng cho vay vốn: “Sau quyết định nói trên, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinaxuki bị ảnh hưởng nặng nề, ít hoạt động nên nhiều khu vực nhà xưởng và máy móc, thiết bị tại CCN Thái Nguyên, Thanh Hóa và Hà Nội đến nay đã xuống cấp. 5 năm qua, chúng tôi lâm vào tình cảnh khốn đốn”.

Ảnh: Việt Khánh
Ảnh: Việt Khánh

Tính đến ngày 30/6/2017, tổng số nợ gốc của Vinaxuki tại 4 ngân hàng thương mại là gần 1.367 tỷ đồng. Trong đó, nợ tại Vietcombank hơn 623 tỷ đồng, tại BIDV 608 tỷ đồng, tại Vietinbank 98 tỷ đồng và tại VIB là 36 tỷ đồng.

Để vực lại, vào tháng 9/2017, ông Bùi Ngọc Huyên đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế TW, Văn phòng Chính phủ và một số ban bộ ngành khẳng định Vinaxuki đầu tư công nghệ ô tô sớm nhất ở Việt Nam là chủ trương đúng đắn, qua đó đề xuất được vay 30 triệu USD để mua lại nợ xấu hoặc VAMC mua nợ xấu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời “việc vay vốn ngân hàng để mua lại các khoản nợ xấu tại VAMC là không có cơ sở pháp lý để thực hiện”.

Theo Nông nghiệp VN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa thu hồi đất dự án nghìn tỷ bỏ hoang nhiều năm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO