Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn Thượng tọa Thích Tâm Định - Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.
PV: Xin Thượng tọa cho biết đôi nét về công tác vận động Tăng ni, Phật tử bảo vệ môi trường và tham gia hiến đất xây dựng nông thôn mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa?
Thượng tọa Thích Tâm Định
Triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và Chương trình phối hợp phát huy vai trò tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể nhân dân xây dựng nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực. Góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều Tăng, Ni, Phật tử và người dân trong cộng đồng.
Các Tăng, Ni, Phật tử ra quân dọn sạch bãi biển Sầm Sơn, góp phần bảo vệ môi trường. |
Điển hình là việc các Tăng, Ni, Phật tử đã tích cực hưởng ứng xây dựng mô hình “Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự”. Cùng với đó, nhiều mô hình bảo vệ môi trường được triển khai ở nhiều địa phương, góp phần làm sạch chính nơi mình sinh sống.
Trước đây, khoảng 3 tháng 1 lần, tro của các lò hóa sớ ở các chùa, cơ sở thờ tự phải thuê xe chở đến nơi xử lý. Thời gian gần đây, mỗi năm nhà chùa mới phải chở đi một lần. Trụ trì các chùa cũng luôn lồng ghép để tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là hạn chế đốt hương, vàng mã... Những năm trước, sau đêm Giao thừa, cây cối trong chùa đều trơ trọi vì người dân “hái lộc”. Sau khi được các trụ trì tuyên truyền, đồng thời đã sáng tạo trong việc tặng lộc đầu xuân cho người dân như hương, muối, diêm… từ đó hạn chế được tình trạng người dân hái lộc, bẻ cành.
Bên cạnh đó, các Tăng, Ni, Phật tử thường xuyên tham gia dọn vệ sinh môi trường, ra quân dọn sạch các bãi biển ở Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nghi Sơn…
Trong tham gia xây dựng nông thôn mới, các tín đồ Phật giáo đã tự nguyện hiến đất, hiến cây, góp công, góp của để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà văn hóa, công trình công cộng, bê tông hóa đường giao thông liên thôn, liên xã, chỉnh trang, sửa chữa lại nhà cửa với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
5 Sư tăng tham gia đoàn tình nguyện lên đường vào tỉnh Long An chống dịch. |
PV: Kết quả từ những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa trong công tác từ thiện, xã hội như thế nào, thưa Thượng tọa?
Thượng tọa Thích Tâm Định
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hàng năm tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng chính sách, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, trẻ mồ côi, tàn tật; tổ chức duy trì các mô hình bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, hàng ngày phát hàng trăm suất cơm, cháo cho bệnh nhân; xây dựng nhà đại đoàn kết và tham gia hiến máu nhân đạo. Tiêu biểu như Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) là nơi nuôi dạy hàng chục trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Hiện tại có gần 30 em đang được nuôi dưỡng ở đây, năm nay có một em đỗ Học viện An ninh.
Để chung tay góp phần đẩy lùi phòng chống dịch bệnh tất cả các hoạt động tôn giáo, lễ hội từ đầu năm đến nay đều được hạn chế, giãn cách. Tích cực tham gia quỹ vacine phòng chống Covid-19, ủng hộ các địa phương phòng chống dịch. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh vận động Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thị, thành phố, các chùa, các quý Thầy đã ủng hộ được 1.070.000.000 đồng.
Thượng tọa Thích Tâm Định cùng các Tăng ni trồng lạc sau đó thu hoạch, đóng gói gửi vào TP.HCM ủng hộ chống dịch. |
Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã cử 5 Sư tăng tham gia Đoàn tình nguyện lên đường vào ngày 21/9/2021. Có nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ các bác sĩ trong việc chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, TP. Tân An, tỉnh Long An. Các Sư tăng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về và cách ly y tế theo quy định.
Ngoài ra, các Tăng, Ni, Phật tử tích cực tham gia sản xuất phát triển kinh tế. Nhiều mô hình phát triển kinh tế không chỉ giúp nâng cao đời sống của bà con mà đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh. Đã có nhiều gương người tôn giáo làm kinh tế giỏi trên nhiều lĩnh vực đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp biểu dương, khen thưởng.
Thượng tọa Thích Tâm Định tại Chương trình từ thiện “Đông ấm vùng cao” ở Cao Sơn, huyện Bá Thước. |
PV: Thời gian tới, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa sẽ có định hướng như thế nào để tiếp tục phát huy, làm tốt công tác từ thiện và chung tay bảo vệ môi trường?
Thượng tọa Thích Tâm Định
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động xã hội, từ thiện và chung tay bảo vệ môi trường như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các Tăng, Ni, Phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp. Chú trọng thực hiện tốt công tác nêu gương người tốt, việc tốt có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc để lan tỏa rộng rãi.
Đẩy mạnh công tác từ thiện, đóng góp quỹ “Ngày vì người nghèo”, giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Ủng hộ quỹ “Thắp sáng niềm tin”, “Địa chỉ đỏ”, “Đông ấm vùng cao”...
Chú trọng thực hiện công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với nhân dân xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Xác định môi trường là cuộc sống, tôi cũng như các thành viên trong Ban Trị sự và các tự viện, cơ sở thờ tư luôn khuyến khích, tuyên truyền tới Tăng, Ni, Phật tử tích cực tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn và tích cực đóng góp nguồn lực vào công tác từ thiện để giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, xây dựng môi trường đoàn kết. Trong hoạt động bảo vệ môi trường, hạn chế đốt vàng mã, thắp hương ở các nơi thờ tự, trồng thêm nhiều cây xanh trong khuôn viên chùa, có biện pháp bảo vệ cây xanh... Kim chỉ nam cho hành động là khẩu hiệu “Xanh cỏ, đỏ nhang, làm cho môi trường trong sạch”.
PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!