Thanh Hóa: Nhiều mô hình bảo vệ môi trường của các tôn giáo mang hiệu quả thiết thực

 Tin và ảnh: Thanh Tâm | 28/07/2021, 21:46

(TN&MT) - Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, các tổ chức Tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Nhiều mô hình hay được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.

Triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, các tôn giáo đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể nhân dân xây dựng  nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng.

Mô hình nhà tang lễ ở huyện Nga Sơn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Đồng bào tôn giáo cùng với nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường, đã có nhiều mô hình hay được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực như: “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa”, “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình Công giáo gương mẫu”, mô hình “Trồng hoa thay thế cỏ dại, xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp”, xây dựng Nhà tang lễ tại các khu nghĩa trang của đồng bào Công giáo.

Bà con giáo dân Giáo xứ Đồng Mực (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) tích cực dọn vệ sinh môi trường.

Tiêu biểu như Huyện Yên Định có 5 giáo xứ với các mô hình “Cộng đoàn/tổ đoàn kết/tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo”, mô hình “Câu lạc bộ giáo dân tham gia bảo vệ môi trường vào thứ 6 hàng tuần”, mô hình “Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa”.

Giáo xứ Kẻ Vàng (xã Yên Thịnh, huyện Yên Định) tổ chức trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường.

Huyện Quảng Xương xây dựng các mô hình: “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Thắp sáng đường quê”; “Camera an ninh”, “Dòng sông không rác thải” đạt hiệu quả cao.

Hội đồng giáo xứ Tam Tổng, huyện Nga Sơn phối hợp xây dựng 4 nhà tang lễ, trị giá 1,6 tỷ đồng để thực hiện lễ nghi tôn giáo cho người đã khuất, hạn chế ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Mô hình khu dân cư “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn” tại các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Như Thanh, Bá Thước, Lang Chánh... Các phong trào, mô hình không chỉ đem lại cảnh quang môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp mà còn góp phần tạo được sự chuyển biến về nhận thức, làm thay đổi thói quen của nhân dân ở cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO