Thanh Hóa: Nhiều kinh nghiệm trong xử lý môi trường sau bão, lũ

Nguyễn Văn Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường Thanh Hoá| 28/12/2021 12:00

(TN&MT) - Thanh Hoá là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, có ba vùng miền đồng bằng, ven biển, trung du và miền núi, địa hình bị chia cắt mạnh. Hầu như năm nào Thanh Hóa cũng phải chịu ảnh hưởng của thiên tai như: Bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn… Thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra hết sức nặng nề, không những thiệt hại về người, tài sản, môi trường sinh thái mà còn tác động sâu sắc tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo thống kê trong 50 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của 51 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó, đã có 25 năm bão đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hoá, tính bình quân mỗi năm có 01 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng đến Thanh Hoá với sức gió  mạnh từ cấp 8 đến cấp 11, cá biệt có những cơn bão mạnh cấp 12, trên cấp 12 như cơn bão số 8 ngày 14/9/1973; cơn bão số 6 ngày 20/9/1975; cơn bão số 6 ngày 16/9/1980, cơn bão số 6 ngày 23/7/1989; cơn bão số 7 ngày 27/9/2005 với sức gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12, bão kết hợp với thuỷ triều làm nước biển dâng từ 4,5 - 5,5 m và gần đây nhất là 04 cơn bão và 07 áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và sản xuất trên địa bàn các huyện; đặc biệt nhất là ảnh hưởng của trận mưa lũ lịch sử từ ngày 28-31/8/2018 trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Sơn mưa rất to kéo dài đã xảy ra lũ quét sạt lở đất làm thiệt hại về người và tải sản của nhân dân và làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Sơn.

Lũ lụt đã san lấp nhà cửa và QL 15 tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát năm 2018

Để khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường do lụt bão và mưa lớn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1988/2017/QĐ-UBND ngày 12/6/2017 quy định về vệ sinh môi trường nông thôn; hằng năm, Sở ban hành Văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn các huyện phương án ứng phó, khắc phục ô nhiễm môi trường khi xảy ra thiên tai và sau thiên tai (Công văn số 3680/STNMT-BVMT ngày 17/7/2017; Công văn số 4697/STNMT-BVMT ngày 31/7/2018; Công văn số 1900/STNMT-BVMT ngày 11/4/2019; Công văn số 4512/STNMT-BVMT ngày 05/8/2019; Công văn số 4166/STNMT-BVMT ngày 22/6/2020 và Công văn số 4244/STNMT-BVMT ngày 31/5/2021); trong đó, quy định cụ thể công tác xử lý ô nhiễm môi trường khi xảy ra lụt bão; tiếp nhận và tổ chức vận hành Trung tâm thu nhận số liệu, tính toán, xử lý cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi; duy trì trực ban 24/24h để kịp thời thông báo cho các UBND các huyện, UBND các xã, Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh khi có tình huống nguy hiểm. Kết quả đã xây dựng được hệ thống trạm đo mưa bao gồm 15 trạm để phản ánh chế độ mưa thực tại 03 huyện (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa), có khả năng lưu trữ, tự truyền số liệu qua sóng GSM, hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết ở khu vực; thiết lập Trung tâm thu nhận, xử lý, tính toán từ 15 trạm quan trắc và ra bản tin cảnh báo mưa lớn có khả năng gây lũ quét ở phạm vi 03 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh lũ quét hàng năm trên địa bàn 03 huyện trên. Ban hành các Quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống tiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Sở.

Ngay sau thiên tai xảy ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân công các đồng chí Lãnh đạo Sở và cử các cán bộ có trình độ chuyên môn về môi trường xuống các huyện, thị xã bị thiệt hại do mưa lũ để chỉ đạo, hướng dẫn công tác khắc phục ô nhiễm môi trường; chung tay cùng các huyện, xã bị ngập lụt triển khai thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải; chôn lấp gia súc, gia cầm bị chết, đảm bảo quy trình xử lý không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước và phát sinh dịch bệnh; hướng dẫn địa phương xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt; đồng thời, cấp phát chế phẩm vi sinh (Enchoice) xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chứa rác thải, trang trại, gia trại chăn nuôi, khu vực chôn lấp xác gia súc, gia cầm bị chết tại các huyện.

Thanh niên giúp người dân khắc phục môi trường

 Sau lũ lụt, không có địa phương nào trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do rác thải, xác gia súc, gia cầm bị chết, không xảy ra dịch bệnh trên người và gia súc do ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Công tác thu gom rác thải, thu gom xác súc vật chết, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng được đẩy mạnh, tiến hành đồng bộ ở các xã và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của chính quyền và nhân dân địa phương theo phương châm “nước rút đến đâu thực hiện tổng vệ sinh môi trường đến đấy”. Công tác vệ sinh môi trường sau mưa lũ đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Để đảm bảo công tác xử lý ô nhiễm môi trường trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh tại các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy định vệ sinh môi trường nông thôn đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1988/QĐ-UBND ngày 12/6/2017 đến từng hộ gia đình; từng thôn, làng, bản và từng cụm dân cư tại các địa phương; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai tổng thể trên địa bàn tỉnh phải dựa trên cơ sở hệ thống thông tin đa chiều, mọi hoạt động kinh tế - xã hội phải đảm bảo giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phải hiểu rõ cơ chế hình thành, xu thế, xây dựng kịch bản với rủi ro thiên tai. Mặt khác, tiếp cận sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của xã hội, các tổ chức quốc tế cho khắc phục hậu quả thiên tai và tái thiết sau thiên tai và triển khai thực hiện được bảo hiểm rủi ro thiên tai./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nhiều kinh nghiệm trong xử lý môi trường sau bão, lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO