Thanh Hóa: Đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống - Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Thu Thủy| 14/03/2023 10:26

(TN&MT) - Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai đồng bộ, sâu rộng đến từng cấp địa phương, bước đầu đem lại những kết quả tích cực, sát, gần với thực tiễn.

Đa dạng công tác tuyên truyền

Để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên địa bàn tỉnh một cách có hiệu quả, đi vào thực tiễn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND, phổ biến nội dung Luật Bảo vệ môi trường 2020 tới cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh; Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được quy định chi tiết trong Luật. Mục tiêu, thực hiện nghiêm, đảm bảo quy định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

anh-2-1-1-.jpg
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đi vào thực tiễn

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng tiến độ, đảm bảo kịp thời, thống nhất, hiệu quả.

Để triển khai phổ biến nội dung Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa giao trách nhiệm cho Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt các nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cho cán bộ chủ chốt và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Cùng với Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến đội ngũ cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương và từng đối tượng là cán bộ, công chức, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn. Căn cứ vào văn bản pháp luật, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố rà soát văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành có liên quan đến Luật; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Bộ TN&MT.

Đưa Luật vào thực tiễn

Nhờ triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đi sâu sát từng cá nhân, tập thể, tới từng các cấp địa phương, việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Sở TN&MT thực hiện hiệu quả, dần đưa Luật đi vào thực tiễn.

Cụ thể, Sở TN&MT đã báo cáo Chủ tịch UBND Thanh Hóa xem xét, phê duyệt đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Kế hoạch số 3976/KH-UBND ngày 18/11/2022 về quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025; Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND về quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải (XLRT) sinh hoạt toàn tỉnh ước đạt 89%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại, được thu gom xử lý đạt 100%.

Theo báo cáo, trong năm 2022, Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra, giám sát công tác BVMT tại 65/65 cơ sở theo Kế hoạch giám sát môi trường tại các cơ sở sản xuất. Tiếp nhận và xử lý 38 kiến nghị phản ánh của tổ chức, cá nhân về vấn đề môi trường. Sở đã chủ trì giải quyết 22/38 đơn kiến nghị, có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý 16/38 đơn kiến nghị. Kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với 13 đơn vị với tổng số tiền 542 triệu đồng.

Về công tác Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các dự án có liên quan: Tổ chức 118 Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM; Kiểm tra, thẩm định 20 hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường theo quy định. Tham gia các hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM do Bộ TN&MT tổ chức. Thực hiện công tác thẩm định báo cáo ĐTM công khai, minh bạch theo hướng cải cách hành chính rút ngắn 50% thời gian xử lý hồ sơ theo quy định đối với các dự án đầu tư công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh Hóa cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác XLRT. Nhiều khu XLRT hiện nay đang quá tải do lượng chất thải rắn đưa về vượt quá công suất theo quy hoạch gây khó khăn cho công tác quản lý và XLRT. Điển hình như Nhà máy XLRT tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Nhà máy XLRT phường Quảng Minh, TP. Sầm Sơn...

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Phó Chi cục trưởng Chi Cục môi trường, Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết: Năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển kinh tế hài hòa với mục tiêu bảo vệ môi trường; kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học. Đặt ra chỉ tiêu chủ yếu: Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đạt 83%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 90%. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị xả thải gây ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống - Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO