Thanh Hóa: Chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Thu Thủy| 14/06/2021 21:51

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, tổ dân phố, người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan.

Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều; tổ chức giải tỏa, thanh thải các bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng trái phép ở bãi sông, lòng sông để đảm bảo không gian thoát lũ, chứa lũ.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai tới người dân

Kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập và các công trình thủy lợi, PCTT khác, phát hiện kịp thời các hư hỏng và theo phân cấp chủ động sửa chữa, khắc phục trước mùa mưa bão. Xây dựng phương án hộ đê, phương án trọng điểm đê, kè, cống xung yếu; đối với hồ chứa, phải rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình thiên tai và chủ động triển khai hiệu quả các phương án ứng phó; tổ chức lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập trong mùa mưa bão.

Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền và diễn tập xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sơ tán dân, cứu nạn,…, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án ứng phó thiên tai phải cụ thể, chi tiết đến từng thôn, tổ dân phố và từng hộ gia đình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư và phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo số lượng, chất lượng, kịp thời huy động khi có sự cố xảy ra; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống, nhu yếu phẩm tại vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên.

Đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia đánh bắt hải sản

Các huyện, thị xã, thành phố ven biển kiểm tra, rà soát công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tàu, thuyền vận tải, du lịch theo phân cấp; phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển kiểm tra điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị đảm bảo an toàn trên các tàu, thuyền trước khi ra biển, tránh để xảy ra tình trạng tàu, thuyền không thực hiện các quy định đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển; chủ động nắm chắc số lượng tàu, thuyền và ngư dân của địa phương đang hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới để hướng dẫn di chuyển tránh, trú bão an toàn; lập phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia đánh bắt hải sản; chỉ đạo chủ đầu tư các khu du lịch, chủ các cơ sở lưu trú xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong mùa mưa bão… và một số nhiệm vụ khác.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan, các cơ quan, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân với những diễn biến bất thường của thời tiết; vận động, kêu gọi quyên góp, ủng hộ, trợ giúp đồng bào gặp hoạn nạn do thiên tai gây ra để sớm khắc phục khó khăn, ổn định đời sống nhân dân sau bão, lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO