Thanh Hóa: Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Đức Duy| 02/11/2020 10:09

(TN&MT) - Thời gian qua, Thanh Hóa là tỉnh nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, sạt lở… Để giảm thiểu các thiệt hại ở mức thấp nhất, các ban, ngành trong tỉnh cần chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất thực hiện tốt công tác ứng phó sự cố thiên tai, chủ trọng công tác tìm kiếm cứu nạn.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai việc nâng cao ý thức cảnh giác, đồng lòng từ các cấp, ngành và người dân rất quan trọng, nhất là phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng, chống và ứng phó với mưa bão, góp phần hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 7 tại huyện Quảng Xương và TX. Nghi Sơn

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 24 trận thiên tai (15 đợt giông, lốc kèm theo mưa lớn, mưa đá; 3 cơn bão; 6 đợt nắng nóng) gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Đặc biệt, có 610 hồ đập lớn nhỏ, qua kiểm tra cho thấy, có tới 78 hồ chứa không đảm bảo an toàn; 3.978 hộ gia đình với 17.614 nhân khẩu đang phân bố và sinh sống thường xuyên tại những nơi có nguy cơ sạt lở đất.

Thực hiện nội dung Điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 16/10/2020 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa, lũ tại các tỉnh Miền Trung, và để chủ động ứng phó với diễn biến của thiên tai trong thời gian tới, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngày 22/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 27-CĐ/UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 24 trận thiên tai

Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai. Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm an toàn cao nhất về người và phương tiện cứu hộ; kịp thời chăm lo, hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/03/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/72020 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hành động số 200-KH/TU ngày 29/05/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 3753/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức quan trắc, đo đạc, theo dõi chặt chẽ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và dòng chảy trên các sông phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; dự báo sớm, dài hạn, bảo đảm thông tin kịp thời, tin cậy, chính xác.

Kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai.

Các địa phương cần kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị… có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể huy động các lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở; huy động và phân bổ các nguồn lực một cách phù hợp, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.

Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ động đến các địa bàn được phân công phụ trách để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTT và TKCN; Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát tin về thời tiết, thiên tai để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời.

Các cấp, ngành, đơn vị tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực) để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, để chủ động phòng, chống diễn biến phức tạp của thiên tai, các địa phương cần chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Chú trọng công tác diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hàng năm có phương án kiểm tra, tu sửa các tuyến đê hư hỏng có dấu hiệu xuống cấp. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO