Thanh Hóa: Chủ động phòng, chống thiên tai khu vực miền núi

Thu Thủy | 14/09/2021, 06:43

(TN&MT) - UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện miền núi lập phương án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn, sẵn sàng di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở.

Theo rà soát, hiện trên địa bàn huyện Quan Hóa còn 131 hộ với 587 khẩu tại thị trấn Hồi Xuân và 5 xã Phú Nghiêm, Phú Xuân, Thành Sơn, Trung Thành, Trung Sơn ở 14 điểm có nguy cơ xảy ra ngập lụt.

Huyện Quan Sơn có 823 hộ có nguy cơ bị mất an toàn cao, các vị trí thường xuyên xảy ra thiên tai. Trong đó, có 231 hộ có nguy cơ bị lũ ống lũ quét, 544 hộ có nguy cơ sạt lở đất, 48 hộ ven sông suối có nguy cơ phải di dời khi có lũ tập trung ở Khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh; Khu Pom Ca Thủy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện; Khu Bản Yên, xã Mường Mìn...

Khu vực miền núi Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Đối với huyện Mường Lát có 749 hộ/3.479 khẩu sống trong vùng có nguy cơ cao bị sạt lở cần phải sơ tán khi có tình huống xảy ra. Trên cơ sở đó, huyện Mường Lát đã xây dựng phương án sơ tán dân, trong đó bố trí ở xen ghép tại bản 327 hộ; sơ tán tập trung 422 hộ.

Để đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư khi xảy ra thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND các huyện miền núi Thanh Hóa đã chủ động rà soát, cập nhật phương án theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung. Xây dựng kế hoạch theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần phục vụ công tác PCTT và TKCN. Sắp xếp phương án cụ thể theo lĩnh vực, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, y tế, hoá chất vệ sinh môi trường.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các huyện triển khai thực hiện test nhanh Covid-19 cho người dân sống trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đã được duyệt phương án di dân. Đối với các điểm lở núi, sạt taly âm sông suối và các hộ dân sống trong các vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, các địa phương xây dựng phương án xử lý khẩn cấp trình UBND tỉnh xem xét xử lý, để người dân sớm ổn định cuộc sống.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện miền núi xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho người dân.

Đối với các vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ xảy ra, cấp huyện phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo đủ cứu trợ trong thời gian 5 ngày, cấp xã, thị trấn và các hộ gia đình đảm bảo 3 ngày.

Đề nghị các huyện bố trí khu cách ly riêng cho các hộ phải sơ tán theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Thường xuyên kiểm tra, huy động lực lượng khơi thông các đoạn sông, suối thường xuyên bị ách tắc dòng chảy khi có mưa lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Ủy ban Dân tộc tuyên dương 143 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc năm 2023
(TN&MT) - Tối 26/12/2023, tại Hà Nội, Uỷ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ 10 năm 2023.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO