Thanh Hóa: Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

01/06/2018 08:10

(TN&MT) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định phê duyệt phương án tăng cường bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng hoạt động khoáng sản trái phép; lập lại kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó là đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội và môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách và nâng cao đời sống nhân dân.  

Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng về tài nguyên và khoáng sản. Theo kết quả điều tra địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đã phát hiện 28 loại khoáng sản. Trong đó khoáng sản nhiên liệu và năng lượng là than đá. Kim loại có sắt, crom, titan, zircon, chì-kẻm, thiếc, đồng, vàng, antimon. Khoáng chất công nghiệp có serpentin, than bùn, kaolanh, barit, photphorit, fenspat, magnesit, dolomit. Đá quý và đá bán quý có đá đỏ, saphir. Vật liệu kỹ thuật có thạch anh. Vật liệu xây dựng là đá vôi xi măng, sét xi măng, puzolan, sét gạch ngói, cát sỏi lòng sông, đá ốp lát, đá xây dựng thông thường. Khoáng sản nước gồm nước khoáng, nước nóng.
 

Tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa được cấp phép khai thác
Tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa được cấp phép khai thác

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 477/QĐ-UBND ngày 5/2/2018 khoanh định danh mục các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm và các khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản.
 

Khu vực cấm hoạt động khoáng sản là khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh có 63 khu vực có tổng diện tích 11.923,65ha. Diện tích liên quan đến rừng phòng hộ là 163.546,8ha gồm 143 khu vực; liên quan đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, rừng đặc dụng là 82.124,2ha. Khu bảo tồn địa chất là 4.972,9ha. Đất tôn giáo 43,88ha gồm 93 khu vực. Khu vực hành lang an toàn xăng dầu, khí là 28,35ha gồm 27 khu vực kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích liên quan đến quy hoạch bãi biển, bờ biển có khả năng khai thác du lịch 1.670,05ha gồm 6 khu và diện tích sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng là 351,5ha. Còn khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản liên quan đến phòng tránh khắc phục hậu quả thiên tai có diện tích 563,947ha.
 

Tàu khai thác cát trái phép bị công an bắt giữ ở huyện Vĩnh Lộc
Tàu khai thác cát trái phép bị công an bắt giữ ở huyện Vĩnh Lộc

Đối với khoáng sản chưa khai thác cần bảo vệ là khu vực khoáng sản chưa được cấp phép khai thác, bao gồm cả khoáng sản ở các bãi thải của mỏ đã đóng cửa theo quy định như khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng có 168 khu vực, với tổng diện tích khoảng 4.647,29ha, phấn bố trên 23 huyện, thị xã. Khu vực được quy hoạch các mỏ cát, sỏi ở sông Mã và sông Chu có tổng số 105 mỏ, ngoài ra còn có một số điểm mỏ nhỏ lẻ phân bố trên các sông, suối như sông Lò, sông Luồng, sông Bưởi, sông Lèn, sông Hoạt…thuộc địa bàn 20 huyện, thị xã thành phố.
 

Điểm khai thác trái phép sét Betonite ở xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn
Điểm khai thác trái phép sét Betonite ở xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn

Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo tin báo. Trong năm qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã đình chỉ hoạt động khai thác 40 mỏ do vi phạm các quy định về thiết kế khai thác, an toàn lao động, không cắm mốc giới…Giải tỏa các bãi tập kết, kinh doanh cát trái phép, chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi lòng sông đối với UBND các huyện, các xã có liên quan; kiểm điểm 1 trưởng phòng TNMT huyện và 07 chủ tịch UBND xã.
 

Việc khai thác khoáng sản trái phép xảy ra chủ yếu đối với một số loại khoáng sản như: vàng deluvi (sường tích), đá quý; sét bentonite; cát, sỏi lòng sông; đất san lấp…
 

Nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Hàng năm, Sở TN&MT Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cho cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
 

Đối với cấp huyện, xã nếu để xảy ra khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không giải tỏa, xử lý dứt điểm, để tái diễn, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO