Thanh Hóa: Bảo vệ môi trường gắn với giảm nghèo bền vững

Thu Thủy| 18/10/2022 09:17

(TN&MT) - Nhận thức được tầm quan trọng về công tác BVMT trong phát triển kinh tế giúp giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BVMT, phát triển rừng, quản lý và khai thác nguồn tài nguyên hợp lý và hiệu quả. Nhờ đó, đời sống và ý thức BVMT của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Sản phẩm thân thiện môi trường dần thay thế nhựa

Thực hiện Nghị quyết 09, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 5 kế hoạch triển khai thực hiện, phân công các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT gắn với giảm nghèo bền vững.

Với phong trào BVMT gắn với giảm nghèo bền vững, tỉnh Thanh Hóa phát triển nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề đã hình thành tổ hợp tác, HTX liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống như: mộc dân dụng, gỗ xẻ, sản xuất nông cụ cầm tay, dệt thổ cẩm, sản xuất mây tre đan tại các huyện Nga Sơn, Nông Cống, Như Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy… đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Đây là những sản phẩm thân thiện với môi trường có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Từ đó đã góp phần giảm đáng kể rác thải nhựa ra môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.

anh-1-4-.jpg

Những đồ dùng được chị em sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên

Điển hình như tại huyện Nga Sơn có 13 tổ hợp tác làm nghề tiểu thủ công nghiệp do phụ nữ làm chủ, tạo việc làm cho hàng nghìn hội viên, phụ nữ trên địa bàn giúp xóa đói giảm nghèo. Như tổ hợp tác xã Nga Điền thành lập được 5 năm có 600 hội viên phụ nữ trong xã tham gia sản xuất các sản phẩm thùng, hộp cói, khay cói lấy nguyên liệu sẵn có ở địa phương là cây cói, bèo tây, với thu nhập bình quân đạt từ 4,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Từ thấm nhuần mục tiêu thoát nghèo đi đôi với BVMT, nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với công tác BVMT đã có sự chuyển biến tích cực, ngày càng được nâng lên. Ý thức, trách nhiệm, tinh thần vượt khó, ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo từng bước được thay đổi.

Theo thống kê, đến nay khu vực 11 huyện miền núi trong tỉnh Thanh Hóa còn 46.470 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20% và 47.446 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 20,42% (theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025). Thanh Hóa phấn đấu đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1,5% trở lên; trong đó, tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm 3% trở lên. Đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Sản xuất xanh giúp giảm nghèo

Chị Trần Thị Tám - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nga Điền cho biết: Các chị em phụ nữ trong xã khi rảnh rỗi đều tập trung tham gia sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường vừa tạo miền vui, vừa giúp nâng cao thu nhập cho gia đình. Các sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thùng, hộp cói, khay cói, làn cói. Đây là những sản phẩm có thể thay thế đồ nhựa dùng một lần, chị em đi chợ mang theo làn cói để giảm thiểu dùng túi nilon.

anh-2-3-min.jpg

Sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường giúp giảm nghèo bền vững

Như HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ ở thôn Phú Quý, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống được thành lập từ năm 2010 sản xuất mây tre đan tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Đến nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã trở thành một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn huyện Nông Cống với doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng/tháng. Đồng thời cũng là một điểm tựa đáng tin cậy cho đối tượng người khuyết tật, các lao động có hoàn cảnh khó khăn có thêm thu nhập. Với nòng cốt là các sản phẩm từ nguyên liệu thiên, thân thiện với môi trường như mây, tre, cói, các sản phẩm của HTX đã ký hợp đồng với các công ty ngoài tỉnh để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu, mang lại giá trị cao cả về thương hiệu Việt Nam và nguồn lợi kinh tế.

48d2210555t6826l6.jpg

Chị Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ cho biết: Hiện nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã tạo việc làm cho từ 300 đến 500 lao động với mức thu nhập bình quân dao động từ 2 - 6 triệu đồng/người/tháng. Các lao động đều là các chị em phụ nữ đa dạng độ tuổi, có những lao động gia đình hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo, cận nghèo, những người khuyết tật, quá tuổi lao động, sức khỏe yếu, phụ nữ có con nhỏ từ khắp các địa phương như xã Tân Thọ, Tân Khang, Công Bình (Nông Cống), Quảng Long, Quảng Yên (Quảng Xương) và Đông Anh (Đông Sơn). Các lao động được HTX đào tạo nghề miễn phí đồng thời tạo điều kiện để mang nguyên liệu về làm tại nhà đối với các lao động có nhu cầu. Qua quá trình lao động, sản xuất ra các sản phẩm mây, tre đan thân thiện với môi trường, các chị em phụ nữ cũng nhận thức hơn về tác hại và việc hạn chế sử dụng các đồ dùng nhựa, túi nilon trong cuộc sống hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Bảo vệ môi trường gắn với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO