Than Uyên – Lai Châu: Vì sao Công ty CP Huy Ngọc bị yêu cầu đóng cửa mỏ?

Đà Giang - Nhật Lam| 29/09/2021 20:20

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh Lai Châu là khá “bát nháo”. Nhiều đơn vị đã bị xử phạt, nhưng cũng có những đơn vị “chiếm” cả con đường đi của thôn bản thì không bị xử lý.

Mới đây, UBND huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã ra công văn yêu cầu đóng cửa mỏ với Cty CP Huy Ngọc, là doanh nghiệp đang khai thác đá tại mỏ đá thuộc địa bàn xã Mường Cang bởi nhiều lý do. Đến nay, công tác phục hồi môi trường cũng như việc đóng cửa mỏ đến đâu rồi, vẫn còn là một dấu hỏi?

Mỏ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”

Trao đổi với phóng viên, Ông P.V.T, nhà ở xã Mường Cang cho biết: kể từ khi Công ty CP Huy Ngọc thôi khai thác đá tại đây. Đúng là tình trạng ô nhiễm môi trường như bụi bẩn, tiếng nổ, tiếng ồn do xay xát đá, nghiền sàng… có giảm hẳn. Bà con cũng đỡ lo chuyện đá văng hay khói bụi. Nhưng đống đá của mỏ trong đó vẫn còn. Dàn sàng nghiền vẫn chưa được tháo đi. Chưa thấy doanh nghiệp trồng cây để cải tạo phục hồi lại môi trường theo đúng như quy định, yêu cầu của UBND huyện.

Còn ông N.V.T, nhà ở ngay cây xăng Mường Cang thì cho biết: nói là yêu cầu doanh nghiệp phải cải tạo môi trường ngay, cũng khó cho họ. Bởi để ra được 1 mặt bằng làm 1 mỏ VLXD, Công ty CP Huy Ngọc đã phải bỏ cả chục năm nay để làm, đầu tư vào đây cả mấy chục tỷ đồng. Giờ, phút chốc thành sắt vụn cả. Doanh nghiệp họ cũng thiệt thòi lắm. Cũng theo ông T, nguyên nhân của việc Cty Huy Ngọc không được tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản chủ yếu là do “kiện cáo”. Xuất phát từ 1 lá đơn của 1 gia đình kinh doanh nhà nghỉ trên địa bàn. Nhà nghỉ này xây dựng sau, nhưng có những đòi hỏi quá đáng với doanh nghiệp Huy Ngọc, nên đôi bên thành ra kiện cáo nhau. Hậu quả là khi hết hạn giấy phép, Lãnh đạo địa phương đã yêu cầu đóng cửa mỏ đối với mỏ đá này.

Mỏ đá của Cty Huy Ngọc thời còn thịnh vượng

Cũng theo ông T so sánh, việc mỏ đá Huy Ngọc bị đóng cửa mỏ, sẽ tạo tiền lệ xấu cho tình trạng độc quyền khai thác đá trên địa bàn. Bởi nếu mua đá ở xa đến, giá thành tăng cao. Mà mua gần giá rẻ thì lại chẳng có. Tính đi, tính lại, chỉ có người tiêu dùng là khổ. Ông T cũng cho biết: một mỏ đá khác cũng trên địa bàn huyện Than Uyên, nhiều năm qua còn chiếm cả con đường đi làm nương của dân. Bà con thôn Tre Bó khiếu nại mãi về những tai tiếng của doanh nghiệp này. Nhưng sự việc vẫn chỉ là “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” mà thôi. Gây bức xúc dư luận.

Vào khu mỏ của Cty CP Huy Ngọc, phóng viên được biết: suốt hơn 1 năm qua, kể từ ngày “nhận án tử”, mỏ đá Huy Ngọc đành nằm bất động. Máy móc hoen rỉ, không khai thác, không vận hành. Những chỗ yêu cầu cải tạo lại môi trường như trồng cây, phục hồi đất…. cũng không. Chỉ có vài người bảo vệ gác. Còn chủ doanh nghiệp cũng luôn “vắng mặt”. Một bảo vệ kiêm gác máy ở đây cho biết: muốn liên hệ với anh Pho, chủ cty thì chỉ có gọi điện. Còn các anh cũng không biết ông Pho đi đâu.

“Lối thoát” nào cho doanh nghiệp?

Rộng đường dư luận, Phóng viên đã liên lạc đến số điện thoại của ông Nguyễn Đăng Pho, người đại diện pháp luật cho Công ty CP Huy Ngọc, có địa chỉ tại xóm Mới, xã Mường Cang. Ông Pho cho biết: Doanh nghiệp của công hoạt động được hơn 10 năm. Mỗi năm đều đóng ngân sách đầy đủ cho Nhà nước. Vừa rồi bị đóng cửa mỏ, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên ông... chán. Giờ bao tiền vốn đầu tư vào máy móc, trang thiết bị đều bỏ không cả. Thiệt hại là rất lớn, mà chẳng biết kêu ai. Nói ra thì lại “mất lòng”. Than vãn chán rồi ông này cúp máy.

Và giờ là bỏ hoang

Qua tìm hiểu, PV được biết: UBND huyện Than Uyên đã ban hành quyết định số 2361/UBND-TNMT, ngày 11/12/2020 do Phó chủ tịch UBND huyện Than Uyên là ông Nguyễn Văn Thăng ký. Nôi dung công văn này yêu cầu Công ty Huy Ngọc phải tiến hành đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường, cũng như giám sát số lượng khoáng sản chưa khai thác trong khu vực mỏ, để bảo vệ…

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Việc yêu cầu dừng một mỏ đá VLXD đang khai thác để rồi “không cần biết” tới những đầu tư của chủ doanh nghiệp vào đây, là “vô cảm”. Có khi nào lãnh đạo tỉnh, giám đốc các sở ngành đặt cương vị vào vai… chủ mỏ?. Xem họ cay đắng như thế nào, khi phút chốc máy móc của mình thành “vô dụng” không? Chính phủ luôn kêu gọi đầu tư, kêu gọi phát triển kinh tế, mà địa phương cứ làm việc theo kiểu máy móc, hết hạn là khỏi làm. Mà không nghe lắng nghe nguyện vọng của chủ đầu tư, thì lấy đâu ra sự phát triển bền vững… Bài học của Cty Huy Ngọc sẽ là “kinh nghiệm xương máu” cho những công ty muốn đầu tư vào khai thác VLXD… trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh những bất cập trong quy hoạch và khai thác VLXD.

Theo Than Uyên – Lai Châu Vì sao Công ty CP Huy Ngọc bị yêu cầu đóng
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Than Uyên – Lai Châu: Vì sao Công ty CP Huy Ngọc bị yêu cầu đóng cửa mỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO