Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất tôn giáo

Phạm Oanh | 16/08/2021, 10:28

(TN&MT) - Xin hỏi, khi đất phục vụ cho mục đích tôn giáo bị lấn chiếm thì thủ tục giải quyết tranh chấp như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất tôn giáo? (Ông Hoàng Anh Dũng, Thái Bình).

Về vấn đề này, Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 khi các bên xảy ra tranh chấp, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở; Khi mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Như vậy, UBND cấp xã không tự hòa giải mà các bên phải có đơn yêu cầu.

Thời gian hòa giải tại UBND cấp xã: Không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. 

Ảnh minh họa

Khi hòa giải không thành công, việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013 như sau:

Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận (sổ đỏ) hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có sổ đỏ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn 1 trong 2 hình thức giải quyết sau: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh (tùy thuộc vào chủ thể tranh chấp); Khởi kiện tại Tòa án nhân dân (theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự).

Cụ thể:

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi có sổ đỏ

Khi một trong các bên có sổ đỏ hoặc có một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì do Tòa án nhân dân nơi có đất xảy ra tranh chấp giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện có đất đang tranh chấp.

Để khởi kiện, cơ sở tôn giáo có đất bị lấn chiếm cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm:  Đơn khởi kiện theo mẫu; Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100; Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp; Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu; chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân;  Các giấy tờ chứng minh khác (theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, ai khởi kiện vấn đề gì thì phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho chính yêu cầu khởi kiện đó).

Sau khi nhận được hồ sơ khởi kiện, Toà án sẽ tiến hành thụ lý và giải quyết theo đúng thủ tục tố tụng.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ

Khi các bên tranh chấp không có sổ đỏ, thì tranh chấp được giải quyết tại UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện ra toà án.

Theo quy định, trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thẩm quyền giải quyết thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Để giải quyết tranh chấp, cơ sở tôn giáo có đất bị lấn chiếm sẽ chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai; Biên bản hòa giải tại UBND cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp; Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp; Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

Sau khi giải quyết tranh chấp, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp. Nếu không đồng ý kết quả giải quyết thì cơ sở tôn giáo có thể khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

                                                                                             Báo Tài nguyên & Môi trường

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO