Thái Nguyên: Tập trung nguồn lực thực hiện tích tụ ruộng đất

Việt Linh| 14/10/2021 20:24

(TN&MT) - Là tỉnh trung du có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Thái Nguyên đã tập trung trí tuệ, sức lực và tài chính, lựa chọn thực hiện mô hình “dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất” để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả.

Dồn điền đổi thửa để sản xuất lớn

Để triển khai Luật Đất đai năm 2013, dịch chuyển nền nông nghiệp truyền thống từ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung và mang đặc thù tập quán canh tác địa phương trở thành một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai cho cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những cánh đồng manh mún sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa đã trở thành những khu dân cư khang trang sạch đẹp.

Trong đó, đẩy mạnh việc thực hiện “dồn điền đổi thửa”, triển khai quy hoạch nông thôn mới, khuyến khích nông dân góp vốn, cho thuê quyền sử dụng đất để tập trung đất đai tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo quy mô tập trung bằng nhiệm vụ trọng tâm đề ra là tích tụ, tập trung, sử dụng hiệu quả đất đai, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Qua công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật nói chung và Luật Đất đai năm 2013 đã được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện mô hình “dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất”, tỉnh Thái Nguyên đã tạo ra các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thửa ruộng lớn, đồng nhất, có hệ thống bờ vùng, bờ thửa, hệ thống tưới, tiêu khoa học, hợp lý để đưa cơ giới hoá, thuận tiện cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp; tăng thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích; góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong lao động nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Xuất hiện những cánh đồng mẫu lớn sau khi thực hiện tích tụ ruộng đất.

Chính sách pháp luật đất đai hiện hành đã dần khuyến khích nông dân, các tổ chức sử dụng đất tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao… theo nguyên tắc thị trường, được thực hiện các quyền của người sử dụng đất như một tài sản. Đối với những người không có khả năng làm nông nghiệp hiệu quả cũng có thể nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người khác để chuyển sang làm các nghề phi nông nghiệp, thúc đẩy chuyên môn hoá theo hướng ngành nghề.

Hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau giao dịch dân sự cho người dân nhằm hỗ trợ họ không chỉ trong thực hành giao dịch quyền sử dụng đất an toàn mà còn giúp họ thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng.

Việc tăng hạn mức nhận quyền sử dụng đất không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất cũng đáp ứng được một phần so với yêu cầu của thực tiễn.

Thời gian, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm và đối với tổ chức sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản không quá 50 năm đã thực sự giúp người dân yên tâm làm giàu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

Việc phân bổ, sử dụng đất đã tạo được nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân, thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, chuyển quỹ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Nhà nước thu hồi đất đã góp phần ổn định đời sống hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân, thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Đề xuất sửa đổi

Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra nhiều đổi mới quan trọng, nhất là thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Sau khi tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, Điều 67 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất (khoản 1) trước khi có Quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người có đất bị thu hồi biết… Quy định như thế là quá dài. Các dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên cho thời gian công khai ngắn hơn, vì nếu kéo dài sẽ có hiện tượng xây dựng, canh tác đón bồi thường. Đồng thời làm chậm tiến độ của nhà đầu tư, khi hoàn tất các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng thì kế hoạch sử dụng đất đẵ đăng ký sẽ hết thời hạn.

Một quy định khác liên quan đến điểm h khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai: “Đất trồng cây hằng năm không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục” sẽ bị thu hồi đất. Tuy nhiên không có quy định đối với đất nuôi trồng thuỷ sản, đất nông nghiệp khác và quy định chưa rõ về bồi thường khi thu hồi. Trên thực tế rất khó thực hiện xác định thời gian không sử dụng đất liên tục và thu hồi với các loại đất trên.

Để tăng thêm hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên cũng đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Cụ thể, Đề nghị rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các loại đất nuôi trồng thuỷ sản, đất nông nghiệp khác và có hướng dẫn về bồi thường khi thu hồi do vi phạm…

Bên cạnh những kiến nghị nêu trên, tỉnh Thái Nguyên cũng đề xuất các giải pháp khác để tổ chức thi hành Luật Đất đai: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, khắc phục các vướng mắc, bất cập, đảm bảo sự thống nhất giữa các luật có liên quan; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định và thông tư quy định chi tiết Luật Đất đai để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành.

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất Đai của tỉnh Thái Nguyên, biến động diện tích sử dụng nhóm đất nông nghiệp, hiện trạng tính đến hết năm 2014 có 304.032 ha, kết quả thực hiện đến năm 2020 là 302.925 ha, giảm 1.107 ha; Tình hình thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh kể từ ngày 1/7/2014 là 100,18 ha đất nông nghiệp, 2,44 ha đất phi nông nghiệp để phục vụ 7 dự án; Thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phục vụ 685 dự án, trong đó thu hồi 3.311,73 ha đất nông nghiệp (đất trồng lúa là 528,74 ha; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là 11,76 ha; đất rừng sản xuất là 959,74 ha); đất phi nông nghiệp là 620,86 ha.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Tập trung nguồn lực thực hiện tích tụ ruộng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO