Thái Nguyên: Nhiều bất cập sau trận mưa lớn ngày đầu năm học mới

Đức Nam| 07/09/2020 17:11

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của trận mưa lớn kéo dài liên tiếp khoảng hơn 5 giờ rạng sáng ngày 7/9, nhiều khu vực tại TP Thái Nguyên bị ngập úng cục bộ, giao thông bị gián đoạn. Hiện tại không có sạt lở đất đá lớn xảy ra trên địa bàn.

Ngã tư đường Minh Cầu giao cắt đường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên bị ngập sâu trong nước úng. 

Rạng sáng 7/9, mưa lớn đã xảy ra và kéo dài đến 10h trưa, trời mới ngớt mưa. Địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất là TP Thái Nguyên. Toàn bộ các tuyến giao thông chính dẫn vào thành phố đều bị ngập sâu trong nước. Nhiều khu dân cư bị nước úng cục bộ dâng cao tràn vào nhà cửa. Người dân rất khổ sở kê kích đồ đạc tránh nước úng ngập gây hư hỏng.

Nước úng tràn vào nhà dân ở phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên.

Các tuyến đường, như: Minh Cầu, Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Phủ Liễn, Quang Trung, Đường Thống Nhất, Cách mạng tháng Tám… đều bị ngập sâu từ 0,5-1m.

Đường Minh Cầu có chỗ ngập sâu 1m, giao thông bị gián đoạn.

Đỉnh điểm trên các ngõ phố dẫn vào cụm dân cư phường Phan Đình Phùng, đường Minh Cầu có đoạn ngập sâu trên 1m, gây ách tắc giao thông kéo dài. Nhiều đoạn đường tắt, đường tránh do lượng ô tô, xe máy dồn ách cục bộ nên đã tắc nghẽn kéo dài khiến nhân dân bức xúc. Mặt khác nhiều học sinh bị muộn học ngày đầu tiên đến trường trong năm học mới. Nhận thấy vấn đề nước úng cục bộ dâng nhanh, chia cắt các khu dân cư đông đúc, giao thông bị gián đoạn nghiêm trọng, ngay từ sáng sớm, lực lượng chức năng đã có mặt tại các điểm ngập úng, đặt biển cảnh báo và túc trực ngăn không cho người dân đi qua những tuyến đường bị ngập úng sâu. Một số trường học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã thông báo cho học sinh nghỉ học.

Mưa lớn gây ngập úng khiến giao thông bị tắc nghẽn.

Mưa lớn ngày đầu năm học mới đã cho thấy TP Thái Nguyên bộc lộ nhiều bất cập đáng quan tâm. Anh Nguyễn Văn Tuyến, khu dân cư Đầm Xanh, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên đã phàn nàn: Mưa lớn lần nào người dân cũng phải tính toán cung đường đi học, đi làm. Rõ khổ. Thành phố ngày càng hiện đại văn minh mà cứ hễ mưa là ngập…Chính quyền cần nghiên cứu xem xét tìm giải pháp chống úng giúp dân càng nhanh càng tốt.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ cảnh báo nguy hiểm những đoạn đường bị ngập sâu trong TP Thái Nguyên.

Anh Nguyễn Tiến Ngọc ở tổ 4 phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên đã cho biết: Trên dưới 40 năm trước hệ thống ngòi tự nhiên dày đặc, len lỏi đến sát trung tâm TP (chỗ Điện tử Dũng Thành là có con ngòi chảy qua cầu bóng tối). Bên cạnh đó với địa hình tự nhiên, ruộng trũng nhiều, các dãy phố nằm cạnh đường cao hơn ruộng khá nhiều nên khi mưa có chỗ chứa và thoát nước tự nhiên rất tốt. Đô thị hóa nhanh, manh mũn, đấu thầu phải rẻ, thi công bớt xén, quỹ đất có hạn đã lấp hết chỗ chứa và đường thoát nước tự nhiên…Do vậy, hậu quả là nước từ cống trồi lên mặt đường, ngập úng nhà dân.

Đường3-2 có đoạn ngập dài 150m.

Theo nhiều chuyên gia, kiến trúc sư cho biết: Quy hoạch không gian đô thị phải đi trước nhiều bước, tầm nhìn 20 năm phát triển trở lên đến 100 năm. Đằng này, quy hoạch ẩu, dư án xây dựng ồ ạt, đổ đất san lấp hết hệ thống mương máng, ao hồ điều hòa tự nhiên thì nước hết chỗ chứa, chỗ chảy. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống cống rãnh các dự án thoát nước không đồng bộ nên nước thấp khó có thể chảy vào cống cao. Nhà máy thu gom, xử lý nước thải nghìn tỷ của TP Thái Nguyên vừa xây xong đã hỏng do sự cố. Nước úng chẳng có người bớm hút…thì sao không ngập cả thành phố. Lỗi lớn là do quy hoạch và thi công các dự án. Chính quyền tham thu hút đầu tư các dự án nên quên không tín toán không gian tự nhiên giúp điều hòa môi trường cho toàn thành phố. Do vậy hậu quả mưa lũ là nhãn tiền. Chúng tôi nghĩ rằng, nhiệm kỳ này chính quyền TP, tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm dành thời gian, nghiên cứu phương án khơi thông cống rãnh thoát nước thì sẽ giúp giảm thiểu ngập úng cục bộ do mưa lớn gây nên.

Trước đó, đêm 17, sáng 18/8, mưa lớn đã gây sạt lở tuyến đường ĐT 270 đoạn phía bắc hồ Núi Cốc.

Vết sạt lở nhỏ trên QL 37 đoạn qua dốc Đình, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ.

Theo báo cáo của sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên, từ trận mưa lớn xảy ra vào đêm 17, rạng sáng 18/8 đến nay không xảy ra sự cố sạt lở lớn nghiêm trọng. Tuyến QL 37, đường tỉnh ĐT 270, ĐT 264 B có phát sinh nhiều vị trí sạt lở nhỏ ở ta luy dương gây lấp rãnh dộc và tràn mặt đường hàng trăm m3 đất đá. Tại khu vực đèo Khế, QL 37 trên phần đồi của ông Phạm Công Nguyên, hàng chục khối đất đá rừng cây đã sạt xuống đường ảnh hưởng giao thông đi lại.

Vết sạt lở hàng trăm mét khối đất đá trên QL 37 đoạn qua đèo Khế, huyện Đại Từ.

Ông Vũ Hồng Quang, Trưởng phòng kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Thái Nguyên đã cho biết: Khi thấy mưa lớn trên diện rộng, sở đã cử đoàn kiểm tra đến hiện trường những tuyến đường có điểm sung yếu để chỉ đạo khắc phục hậu quả sạt lở đất đá. Thông đường nhanh nhất có thể giúp hoạt động giao thông thông suốt. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án ứng phóng phóng chống thiên tai lụt bão và các kịch bản giải quyết tình uống xấu xảy ra. Tuy nhiên, trận mưa rạng sáng 7/9 không ảnh hưởng lớn, không sạt lở các tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, nhiều công trình liên hợp giao thông kết hợp chống lũ đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt.

Đoàn kiểm tra của sở GTVT Thái Nguyên thường xuyên chủ động kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sạt lở đất, thông xe trong mùa mưa bão.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, trong khoảng 3 giờ tới, các khu vực trong tỉnh tiếp tục có mưa to, lượng mưa đạt từ 20-50 mm, có nơi trên 55cm. Dự báo mưa sẽ tiếp tục xảy ra trong chiều và đêm nay. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cao tại các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương… Trước tình hình trên, bà con cần chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và biện pháp chủ động trong sản xuất, sinh hoạt để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Nhiều bất cập sau trận mưa lớn ngày đầu năm học mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO