Thái Nguyên nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng

Xuân Vũ| 25/02/2020 13:15

(TN&MT) - Năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan bảo vệ rừng, truy quét chống chặt phá rừng, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Nhờ đó, quản lý bảo vệ rừng, khai thác lâm sản được thực hiện tốt từ cơ sở, vai trò trách nhiệm của các chủ rừng được nâng cao.

Đẩy mạnh phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng

Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, nắm bắt các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, chỉ đạo các đơn vị tổ chức trực PCCCR vào những tháng mùa khô, kịp thời ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Nội, Vĩnh Phúc.

Chi cục tổ chức 2 cuộc diễn tập PCCCR cấp Chi cục tại huyện Phú Lương và Đại Từ. Tổ chức 1 cuộc diễn tập PCCCR cấp cơ sở tại Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc đạt kết quả tốt.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng

Song song đó, Chi cục đã tổ chức 195 lớp tuyên truyền tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, quản lý giống cây trồng lâm nghiệp với gần 9.000 lượt người tham gia. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với Cảnh sát PCCC - CHCN (Công an tỉnh Thái Nguyên) tổ chức 7 lớp huấn luyện công tác PCCCR, sử dụng trang thiết bị phòng cháy tại các huyện, thành phố, thị xã, với 420 người tham gia, chủ yếu là kiểm lâm địa bàn, phó ban lâm nghiệp xã, tổ bảo vệ rừng cơ sở và các chủ rừng.

Chi cục triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ, PCCCR; tổ chức cho người dân ký cam kết, xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng; phân công lực lượng thường trực 24 giờ/ngày, thường xuyên ứng trực, phát hiện sớm các vụ cháy rừng, tham mưu có hiệu quả cho chính quyền địa phương trong công tác PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; kiện toàn và duy trì hoạt động của các tổ bảo vệ rừng, PCCCR cấp xã, thôn…

Tuy vậy, do thời tiết hanh khô kéo dài, năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã để xảy ra 2 vụ cháy rừng với diện tích 5,5 ha, tại huyện Đại Từ và thành phố Sông Công. Hiện, Hạt Kiểm lâm 2 huyện, thành phố đang phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện, thành phố điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và truy tìm đối tượng gây cháy rừng.

Tăng cường truy quét, xử lý nghiêm vi phạm

Ông Vũ Văn Phán, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, trong năm qua, Chi cục đã phê duyệt 12 phương án truy quét; kiểm tra việc triển khai thực hiện 26 kế hoạch truy quét của các đơn vị; tổ chức thanh tra chuyên ngành 2 cuộc tại Hạt Kiểm lâm TX. Phổ Yên và Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ về thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Kết quả, năm 2019, lực lượng kiểm lâm đã xử lý 167 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 35,76% so với năm 2018; tịch thu 246,510m3 gỗ quy tròn các loại, 14 phương tiện.

Rừng khu vực Hồ Núi cốc được bảo vệ góp phần phát triển kinh tế du lịch

Nhìn chung, năm 2019, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm với các cấp, các ngành liên quan trong bảo vệ rừng, truy quét chống chặt phá rừng, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Quản lý bảo vệ rừng và khai thác lâm sản được thực hiện tốt từ cơ sở, vai trò trách nhiệm của chủ rừng được nâng cao.

Năm 2020, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp dự ước đạt khoảng 560 tỷ đồng. Ổn định độ che phủ rừng trên 46% (tiêu chí mới) và 53% (tiêu chí cũ). Tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án đã được phê duyệt. Tập trung tuyên tuyền, hướng dẫn người dân triển khai trồng rừng gỗ lớn, thâm canh rừng trồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Phấn đấu năm 2020, mỗi huyện, thành phố, thị xã có ít nhất 1 - 3 mô hình trồng rừng gỗ lớn với diện tích 5ha/mô hình...

Tuy vậy, bên cạnh đó, do kinh phí để đầu tư lĩnh vực lâm nghiệp còn hạn chế dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Diện tích rừng lớn, lực lượng mỏng, nên có trường hợp 1 cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách từ 2 - 3 xã, do vậy, chưa tham mưu quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng của một số chính quyền cấp xã chưa cao. Một số chủ rừng chưa quản lý chặt chẽ diện tích rừng được giao còn để xảy ra việc khai thác trái phép.

Trong năm 2020, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện tốt các Chỉ thị, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, tăng cường ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đã trồng được gần 5.400ha rừng tập trung, gồm hơn 400ha rừng phòng hộ và gần 5.000ha rừng sản xuất. Trồng cây phân tán đạt hơn 682.000 cây. Khoán bảo vệ rừng hơn 32.400ha; chăm sóc rừng trồng hơn 1.000ha, đạt 100% kế hoạch năm. Tổ chức triển khai trồng rừng thay thế trên địa bàn 3 huyện Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ với tổng diện tích 83 ha.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội, các cơ quan có liên quan trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo phương án 4 tại chỗ; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. Thực hiện tốt quy chế phối hợp 3 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn - Lạng Sơn trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO